Kinh Nghiệm Trồng Và Chăm Sóc Cây Xương Rồng Trên Chậu
Xương rồng hiện nay rất được ưa chuộng trong giới trẻ bởi sự dễ thương, đa dạng chủng loại cũng như việc trồng và chăm sóc chúng rất đơn giản. Bạn không cần bỏ quá nhiều công sức, cũng như sự cầu kì cho việc chăm sóc chúng. Tuy nhiên, nếu không có những kiến thức cơ bản thì bạn dễ gặp thất bại trong việc chăm sóc những cây xương rồng bé xinh này.
1.Tưới nước cho cây xương rồng
Cây xương rồng vốn sống trong khí hậu khô hạn của sa mạc nên nó không cần bạn tưới nhiều nước, bởi vì nếu quá nhiều nước rễ của cây sẽ dễ bị úng.
Tùy thuộc vào môi trường, thời tiết, loại chậu trồng và loại cây xương rồng mà có chế độ tưới nước tương đối khác nhau. Bạn chỉ tưới một lượng nước vừa sao cho đủ ngấm tới rễ cây khi nhận thấy đất trồng thật sự khô hẳn.
Bạn nên đặt xương rồng ở những nơi có nhiều ánh sáng như cửa sổ, ban công,…vì tính ưa nắng của chúng. Tuy nhiên, vào mùa mưa bạn không nên để xương rồng ở ngoài trời bởi vì xương rồng có thể bị ngập úng gây thối rễ.
Khi mới mua xương rồng về, trong quá trình thay chậu, cây có thể bị tổn thương nên tốt nhất là sau 3 ngày mới tưới nước cho chúng. Để những vị trí bị tổn thương có thời gian liền sẹo và tránh vi trùng không xâm nhập gây hại cho cây.
2.Ánh sáng và không khí
Là một loài cây sống trên sa mạc nên xương rồng rất cần ánh sáng. Bạn nên để xương rồng ngoài nắng vào mỗi buổi sáng. Nếu là cây xương rồng con, hạt mới nảy mầm hoặc vừa mới được cắt ghép thì chỉ nên phơi chúng trong khoảng thời gian từ 1 – 2 giờ là đủ. Đối với những cây xương rồng trồng trong nhà lâu ngày, nếu bạn phơi nắng chúng trong thời gian quá 6 tiếng có thể xảy ra hiện tượng cháy da cây, thân bị nám vàng, nâu hoặc đen.
3.Nhiệt độ
Xương rồng có khả năng chịu nhiệt rất cao, có thể sống tốt trong môi trường có nhiệt độ lên đến 50͒C trong thời gian vài tháng mà không cần tưới nước, và chịu được nhiệt độ thấp dưới 10͒C. Nhiệt độ thích hợp nhất để cây ra hoa là từ 15-18͒C.
4.Dinh dưỡng
Mặc dù nói rằng cây xương rồng không cần phải bỏ nhiều tâm tư vào để chăm sóc vì nó vốn sống ở sa mạc, nơi khí hậu khắc nghiệt. Tuy nhiên, nếu muốn chăm sóc để cây ra hoa ra trái thật tốt thì bạn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho cây. Bạn nên chuẩn bị lượng chất dinh dưỡng có sẵn trong đất trước khi bắt đầu trồng xương rồng để thuận lợi cho việc chăm sóc sau này.
Trong mùa phát triển, cây cần chất đạm (N) để giúp sự tăng trưởng thân, chất Potassium (P) cho sự phát triển của hoa và trái, chất Phosphorus (P) cho sự phát triển bộ rễ và một số chất vi lượng khác.
5.Các loại phân bón cho xương rồng
Chúng ta sẽ cần những loại phân bón khác nhau tùy thuộc vào mỗi giai đoạn phát triển của xương rồng.
- Giai đoạn cây con chúng ta có thể dùng NPK 16-16-8 hoặc 20-20-20
- Giai đoạn tăng trưởng có thể dùng NPK 18-19-30, 20-30-20
- Giai đoạn ra hoa dùng NPK 6-30-30
- Để kích thích ra hoa chúng ta có thể bón NPK 10-60-10, trong đó NPK 18-19-30 được sử dụng thường xuyên và NPK 10-60-10 là phân bón đặc hiệu kích thích xương rồng ra hoa (tuy nhiên, cần chú ý là khi cây đã bắt đầu ra nụ thì ngưng bón phân này và chuyển về chế độ dinh dưỡng bình thường để tránh làm suy kiệt cây)
Nên tưới phân bón cho cây theo liều lượng 1-1,5g cho 1 lít nước, 10 – 15 ngày tưới 1 lần hoặc có thể chọn các loại phân hữu cơ được trộn sẵn trong đất trồng để cung cấp dần chất dinh dưỡng cho cây. Các loại phân vi lượng cũng rất cần thiết như Zn, Ca, Na, Cu, Mn, Bo, Mg,… tuy nhiên, liều lượng không nhiều, chỉ cần bón từ 1-2 tháng 1 lần.
Với một số kinh nghiệm như trên Iblogkienthuc hy vọng bạn sẽ thành công trong việc trồng và chăm sóc cây xương rồng trong chậu.