Top 7 Lễ hội trung thu độc đáo và đặc sắc nhất Việt Nam năm 2018

Trung thu tại Aeon Mall Long Biên

Mùa Trung thu năm nay lại có thêm một điểm đến cho các bạn trẻ đó chính là Trung tâm Aeon Mall Long Biên (Hà Nội) sẽ diễn ra sự kiện Ngân vang tiếng trống – rộn ràng đón trăng từ 30/8 – 24/9. Chương trình hấp dẫn với nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa dân gian. Không chỉ vậy, bạn còn có thể trải nghiệm và sống lại ký ức tuổi thơ, đắm chìm trong không gian vui tươi, rộn ràng.

Cũng trong dịp này, nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức như quyên góp đồ chơi cho các trẻ em nghèo từ 31/8 – 16/9. Đây là chương trình phối hợp hàng năm cùng với tổ chức Từ thiện thật. Theo đó, đồ chơi quyên góp sẽ được đem đến các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vùng dân tộc thiểu số, nhằm đem lại niềm vui cho các em dịp Trung thu.

Những màn biểu diễn hấp dẫn của múa rối nước 18h30 – 19h30 ngày 2 – 3/9, vở nhạc kịch Căn bếp đại chiến 18h30 – 19h30 ngày 22/9, biểu diễn múa lân 18h ngày 24/9 hứa hẹn nhiều điều bất ngờ.

Ngoài ra trong sự kiện lần này còn có các chương trình khác hấp dẫn như: Đổi hóa đơn 500.000 đồng để nhận flashcard (4 – 24/9) và 700.000 đồng để vẽ mặt nạ mẹt (8, 9, 15 và 16/9), thi múa lân và nặn tò hè miễn phí 22-24/9.

Tuyên Quang – Lễ hội Trung thu với những chiếc đèn lồng khổng lồ

Đến đây bạn sẽ bị choáng ngợp và ồ lên thích thú trước những chiếc lồng đèn mô phỏng những con vật thân thuộc đến các nhân vật trong truyện cổ tích hay những hình thù sáng tạo độc đáo nối đuôi nhau trên các phố. Trẻ em được ngồi lên xe chở đèn, người lớn đẩy đi khắp phố trong tiếng hò reo náo nhiệt, hân hoan.

Hơn 10 năm nay, Lễ hội Trung thu tại Tuyên Quang đã trở nên nổi tiếng khắp cả nước bởi sự độc đáo trong lễ hội. Độc đáo nhất là những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân ở đây có kích thước “siêu khủng” và hình thức “siêu đẹp”. Khác hoàn toàn với  những đèn lồng, đèn ông sao, ông sư truyền thống, cũng hoàn toàn không có nét gì giống những đèn lồng của Trung Quốc, đèn trung thu mang thương hiệu Tuyên Quang là một sản phẩm văn hóa độc đáo, sáng tạo, đậm chất dân gian và giàu tính nghệ thuật của người dân nơi đây. 

Không khí Trung thu ở Tuyên Quang mỗi năm luôn vô cùng náo nhiệt và hoành tráng bởi lễ hội rước đèn khổng lồ đặc sắc. Chính bởi lẽ đó mà hoạt động văn hóa này đã được sách kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là lễ hội có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam.

Ngoài lễ hội rước đèn khổng lồ, bạn còn được thưởng thức các tiêt mục đặc sắc trong liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày – Nùng – Thái toàn quốc, xem triển lãm về chủ đề Di sản văn hóa then Tày – Nùng – Thái Việt Nam nữa.

Lễ hội Thành Tuyên 2018 cùng với liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất sẽ diễn ra từ ngày 20-24/9 tại Tuyên Quang. Với sự góp mặt của hơn 70 mô hình đèn Trung thu cùng các loại hình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, lễ hội và liên hoan năm nay hứa hẹn thu hút nhiều đối tượng du khách cùng tham gia. Nếu có cơ hội bạn đừng bỏ lỡ dịp tham gia lễ hội Thành Tuyên một lần nhé.

Thái Bình – Lễ hội Trung thu trở thành lễ hội đường phố ở một vùng quê

“Rước đèn ông sao” – là một nghi thức rất độc đáo và không thể thiếu được trong Tết Trung thu của người dân xã Đông Hoàng. Có thể ví như một “góc quê” mà người dân địa phương ở đây còn lưu giữ được mang đặc thù của không khí rằm Trung thu vùng nông thôn. 

Hầu hết gia đình nào ở đây cũng làm đèn ông sao cho con cháu trong nhà mỗi dịp Tết Trung thu. Trong dịp này, theo thứ tự bốc thăm, các thôn cho các em thiếu nhi cầm đèn ông sao thắp sáng bắt đầu diễu hành về sân vận động trung tâm. Sau nghi thức khai mạc “đêm hội rước đèn” các chi đội lại bắt đầu nối đuôi nhau xếp thành hai hàng tỏa về các ngả đường quanh làng. 

Những chiếc đèn ông sao ở đây đều được người dân làm thủ công bằng chất liệu có sẵn ở nông thôn: tre, nứa, dán giấy… Đèn thắp sáng của ông sao được dùng bằng dầu đựng trong lọ mực cửu long rồi tạo bấc, buộc chặt vào thanh đỡ bên trong, bốn xung quanh cạnh đều dán giấy kín chỉ để hở một cạnh. Ngày nay hòa nhập với xu thế người ta dùng Pin, bóng neon, led… nên ánh sáng đem lại cũng rực rỡ phong phú hơn trước rất nhiều.

Có thể nói đây là hoạt động truyền thống, ý nghĩa, khơi gợi tuổi thơ nên ngay từ trước Trung thu hàng tháng, các thôn đã tổ chức dạy các em thiếu nhi tự làm. Cũng chính vì lẽ này mà các cửa hàng kinh doanh bán đèn ông sao ở đây hầu như rơi vào tình trạng ế ẩm.

Hình ảnh “đêm hội rước đèn” ở đây trở thành một ấn tượng đẹp đẽ không thể phai nhòa trong tâm trí của những con em người xã Đông Hoàng. Tại địa phương này đã có riêng một bài hát mang nội dung về “đêm hội rước đèn ông sao” được rất nhiều người dân ở đây ưa thích. Mỗi dịp Tết Trung thu đến là các thôn xóm lại vang lên ca khúc này.

Theo khảo sát của Hội đồng đội tỉnh đoàn Thái Bình và đông đảo các tầng lớp nhân dân thì “đêm hội rước đèn” đặc sắc này chỉ còn được duy trì được ở xã Đông Hoàng trên đại bàn “quê lúa”. Chính vì thế, mà “đêm hội rước đèn” luôn thu hút đông đảo người dân trong khu vực tới xem. Đặc biệt là đối với con em địa phương sinh sống xa quê thì điều này lại gợi nhớ đến nao lòng mỗi khi vẳng nghe tiếng trống ếch rộn rã bên tai…

Hình ảnh những chiếc đèn ông sao nối nhau dài vô tận uốn quanh những mảnh vườn trái bưởi, trái hồng sai trĩu quả, phảng phất hương thơm từ những cánh đồng lúa mát rượi dưới ánh trăng đêm rằm hiền hòa êm dịu. Đoàn rước đi đến đâu, những lời ca tiếng nhạc trẻ thơ chộn rộn thân thương vang lên đến đó càng tạo cho bức tranh nông thôn dưới tiết trời thu được các em thiếu nhi xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, Thái Bình tô điểm thật lung linh huyền ảo chứa đựng biết bao mơ ước tươi đẹp của tuổi thơ…

Phan Thiết – Lễ hội trung thu lớn nhất Việt Nam

Mỗi dịp trung thu về là thành phố nhỏ xinh đẹp bỗng dưng trở nên tấp nập lạ thường với hàng ngàn lồng đèn lớn nhỏ đủ màu sắc, đủ hình dáng ngộ nghĩnh trong tiếng trống múa lân xập xình sẽ là một kỉ niệm khó quên. Hàng ngàn em học sinh tung tăng rước đèn dọc suốt đoạn đường dài gần 3000m trong thành phố. Trẻ em, người lớn vỗ tay reo hò khi được chiêm ngưỡng các màn múa Lân Sư Rồng độc đáo.

Lễ hội rước đèn ở Phan Thiết được tạp chí Vietbooks xác nhận là “Lễ hội rước đèn Trung thu lớn nhất Việt Nam” và nhận giải thưởng The Guide Awards cho “Lễ hội văn hoá đặc sắc và thành công nhất phục vụ ngành du lịch Việt Nam”. Từ đây mỗi dịp trăng rằm tháng 8, lễ hội tại Phan Thiết đều thu hút nhiều du khách tham gia. Điểm nhấn của lễ hội là đoàn rước đèn với hơn 30 lồng đèn lớn và hàng nghìn lồng đèn nhỏ, đi qua các tuyến đường chính trong thành phố với lộ trình khoảng 3.000m.

Năm 2018 này với khoảng 30 lồng đèn lớn cao tầm 4m và hàng nghìn đèn lồng nhỏ với nhiều hình dáng được thắp sáng bằng đèn sáp. Mỗi cỗ đèn lớn như vậy thời gian làm không ít hơn 10 ngày, lồng đèn nhỏ thì được các em học sinh tự tay dán giấy kính và trang trí. Đoàn học sinh sẽ diễu hành rước đèn cùng với các cỗ đèn lớn, tạo nên một đêm hội đường phố lung linh sắc màu.

Lễ hội năm nay có chủ đề “Thiếu nhi Phan Thiết – Vui Tết Trung thu – Học hành chăm ngoan – Vui chơi, sáng tạo – Làm theo lời Bác”. Lễ hội rước đèn Phan Thiết từ lâu đã đi vào truyền thống và nay trở thành nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu vào mỗi dịp Trung thu của người dân nơi đây. Đây cũng là một điểm đến khá hấp dẫn cho những ai muốn trải nghiệm một mùa trung thu mới.

Lễ hội Đêm rằm xuống phố tại Phố đi bộ

Cũng như mọi năm, mùa trung thu năm nay tại trung tâm phố đi bộ – Vườn hoa Lý Thái Tổ, đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm sẽ diễn ra một bữa tiệc đầy màu sắc bằng âm nhạc, hài kịch, xiếc và vũ điệu với sự tham gia của dàn nghệ sỹ, ca sỹ nổi tiếng: NSND Tự Long, NSƯT Xuân Bắc, ca sỹ Isaac, Ái Phương, DJ Tít, Bùi Hà My, Nhật Minh Idol,… cùng Nhà hát múa rối Thăng Long, Liên đoàn xiếc Việt Nam và các Câu lạc bộ thiếu nhi.

Chương trình năm nay là đường đèn lồng và ngôi sao khổng lồ được kết bằng hàng trăm chiếc đèn nhiều màu sắc lần đầu tiên xuất hiện tại phố đi bộ Hồ Gươm. Bên cạnh đó, một Lễ hội carnaval với các hình thức múa rồng, múa lân, rước đèn sẽ được tổ chức xuyên qua các con phố cổ hứa hẹn sẽ trở thành điểm check-in có 1-0-2 dành cho các gia đình trẻ và khách đi bộ trong dịp Lễ Trung thu.

Ngoài sự xuất hiện của những nhân vật cổ tích quen thuộc như chú Cuội, chị Hằng, Tấm Cám, Thạch Sanh, Lý Thông, Đại bàng, công chúa Quỳnh Nga, ông Bụt, chương trình còn là nơi hội tụ của những nhân vật hiện đại được các bạn thiếu nhi vô cùng yêu thích như Công chúa Elsa, Anna, người nhện, đội trưởng Mỹ, Thor, siêu nhân Gao, người sắt, nàng bạch tuyết và bẩy chú lùn… Tất cả sẽ cùng các em nhỏ phá cỗ, rước đèn, tạo lên một Lễ hội Trung thu tràn ngập màu sắc và tiếng cười.

Chương trình được Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng UBND Thành phố Hà Nội, công ty CP Phương Đông tổ chức hứa hẹn sẽ có nhiều điều bất ngờ, thú vị. Còn chần chừ gì mà không tham gia khám phá “Lễ hội Trung thu – Đêm rằm xuống phố”.

Phố đèn lồng quận 5, TP.HCM

Phố đèn lồng quận 5 là cái tên được các bạn trẻ đặt cho con đường Lương Nhữ Học (quận 5, TP.HCM). Vào mỗi mùa Trung thu, con đường này trở nên rực rỡ, lung linh khi hàng trăm chiếc đèn lồng được thắp sáng, thu hút sự chú ý của nhiều người.

Thông thường trước Trung thu vài tuần, đa phần là giới trẻ hay lui tới đây để chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc đẹp với con phố đèn lồng. Thời điểm ghé thăm con đường Lương Nhữ Học lý tưởng nhất là buổi tối, lúc đèn lồng được thắp sáng rực rỡ. Nếu bạn đang thăm thú đất Sài Thành thì còn chần chừ gì mà không đến phố đèn lồng quận 5 nhỉ. Chắc chắn bạn sẽ thích thú bởi sự bài trí đầy sắc màu nơi đây.

Hội An – Lễ hội Trung thu duyên dáng lung linh

Phố cổ ngày hội trăng rằm, tiếng trống múa lân rộn ràng khắp chốn, trẻ em nô nức rước đèn, phố lung linh đủ thứ màu sắc huyền diệu soi bóng xuống dòng sông Hoài lãng mạn. Những chiếc đèn lồng, hoa đăng vốn đã là đặc trưng của phố cổ, dịp trung thu lại càng thêm màu sắc. 

Tới Hội An trong dịp trung thu bạn còn được tham gia các hoạt động thú vị như thiết kế và triển lãm lồng đèn, xem múa lân, múa sư tử, nghe hát bài chòi, hát dân ca Quảng Nam, đánh cờ… Những nét cổ truyền giản dị, nguyên sơ luôn còn đó, xen lẫn với cái nhộn nhịp nô nức của dòng người trên phố – tạo nên những thứ cảm xúc khó tả.

Trung thu 2015, hàng trăm nghệ nhân từ phố cổ Hội An đã cùng tham gia lắp đặt con đường đèn lồng hơn 1.000 m tại công viên châu Á (Asia Park) ở TP Đà Nẵng. Những chiếc đèn lồng mang nét văn hóa đặc trưng của các quốc gia châu Á như Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản… đã góp mặt trên con đường độc đáo này. Đây là công trình được xác lập kỷ lục Con đường đèn lồng dài nhất Việt Nam.

Vào dịp lễ hội trung thu, từ 17 đến 22 giờ, tất cả các ngôi nhà, hàng quán, tiệm ăn đều tắt điện, toàn bộ khu phố chìm trong ánh sáng của trăng rằm và những ngọn đèn lồng. Trên các con phố, những phương tiện giao thông tạm thời bị cấm, chỉ dành cho người đi bộ.

Dòng sông Hoài chảy qua phố cổ không chỉ tô điểm cho nét đẹp của Hội An mà còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động, tạo nên nét hấp dẫn với du khách gần xa. Bên cạnh những chiếc đèn lồng xinh xắn được treo khắp các con phố, trong dịp này, sông Hoài còn khoác lên mình tấm áo mới nhờ từng bông hoa đăng nhỏ xíu.

Mỗi chiếc đèn hoa đăng làm từ giấy nhiều màu được thả trôi theo dòng nước là một ước vọng cho bản thân, gia đình, bạn bè. Người dân nơi đây coi việc thả đèn hoa đăng như một nghi lễ không thể thiếu trong dịp Trung thu để gửi gắm lời chúc bình an tới những người mình thương yêu.

Có thể nói Hội An cũng chính là một trong những điểm đáng đến trong dịp Trung Thu.

Trả lời