Top 10 Bài văn miêu tả bác bảo vệ trường em hay nhất

Bài văn tả bác bảo vệ số 4

Năm học mới lại bắt đầu và đối với tôi đây là một năm học vô cùng đặc biệt bởi đây là năm đầu của tôi ở trường cấp hai. Tôi còn nhớ ngày đầu khi mới bước vào trường tôi có biết bao nhiêu lo sợ nhưng may mắn tôi đã được những động viên rất ân cần của bác bảo vệ và ngay từ giây phút ấy, tôi đã vô cùng yêu quý bác.

Bác bảo vệ trường tôi có lẽ ở tuổi ngoài năm mươi. Dáng người bác dong dỏng cao, trên mái tóc đã điểm những sợi bạc. Bác có khuôn mặt chữ điền, chắc hẳn ai trông thấy bác lần đầu cũng cho rằng bác là một người khá nghiêm nghị nhưng thực ra nếu tiếp xúc lâu ngày sẽ thấy là bác rất hiền lại dễ gần. 

Nước da bác hơi ngăm đen nhưng toát lên sự khỏe khoắn của một con người dãi dầu mưa nắng. Ở bác có đôi mắt đen sâu thẳm, hằn rõ những dấu hiệu của một cuộc đời từng trải nhưng nụ cười không vì thế mà khô khan, trái lại nó hiền lành, dịu dàng, đem lại cho người ta cảm giác dễ gần. Tôi chú ý nhất ở bác là đôi bàn tay chắc với nhiều vết chai, những ngón tay thuôn dài khiến cho bàn tay trông to và khỏe khoắn. 

Bác ăn mặc khá giản dị, tôi thường thấy bác mặc áo sơ mi hoặc áo phông với quần âu đã sờn cùng với chiếc mũ lưỡi trai cũng đã sờn vải. Bác có lẽ là một người rất yêu chó, phòng bác nuôi một chú cún con có bộ lông trắng muốt rất tinh khôn và tôi hay thấy chú quấn quýt bên bác, bác cũng rất dịu dàng và chiều chuộng chú ta, luôn cho chú nằm trên đùi của mình mỗi khi rảnh rỗi. 

Tôi tin rằng bác nuôi chú cún ấy để làm bạn những lúc buồn là chính chứ không phải với mục đích bắt trộm.Tôi nghe mọi người nói bác làm bảo vệ ở đây đã được hai năm và rất ân cần, chu đáo, ai cũng yêu mến. Quả là vậy, hôm đầu tiên tôi đến trường, còn bỡ ngỡ, cứ chần chừ mãi không dám bước vào. Giống như đoán biết được ý tôi, bác nở một nụ cười thật tươi.

Rồi bác ân cần ra hỏi tôi là học sinh mới phải không, khi tôi trả lời, bác liền dắt xe cho tôi vào nhà để xe, thấy tôi có vẻ bối rối, cứ nhìn quanh mà không dám bước, bác lại nói chuyện với tôi cho tôi đỡ lo. Vì không biết lớp mình học ở vị trí nào trong trường, tôi lúng túng không biết phải làm thế nào, bác không ngại ngần mà đưa tôi tới tận lớp học, điều đó khiến tôi cảm kích rất nhiều.

Bác bảo vệ trong mắt chúng tôi như một người “hiệp sĩ” hiền lành luôn ân cần với mọi người và âm thầm trông coi trường lớp cho dù chúng tôi có ỏ đó hay không. Có bác, chúng tôi thấy an toàn và an tâm hơn rất nhiều. Tôi thực sự rất yêu quý bác.

Bài văn tả bác bảo vệ số 5

Bác Long bảo vệ trường em là người vui tính. Bác đã làm bảo vệ trường em từ trước khi em bước chân vào học ở trường này.

Năm nay bác đã gần sáu mươi tuổi rồi nhưng trông bác còn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm. Dáng người cao, gọn gàng trong bộ quần áo bộ đội đã bạc màu. Khuôn mặt bác vuông vức, quai hàm bạnh, đôi lông mày rậm, nước da lúc nào cũng đỏ au. Mới nhìn bác, ai cũng thấy sợ nhưng bác lại rất hiền lành. Các con của bác đều đi làm và sống xa nhà, vợ bác qua đời khi bác còn trẻ nên bác ở lại luôn phòng bảo vệ của nhà trường.

Bác sống rất giản dị nên đồ đạc cũng rất đơn sơ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. Một ngày của bác bắt đầu từ năm giờ sáng. sau khi vệ sinh cá nhân, bác đi mở cửa các phòng lớp học, quét dọn văn phòng,… Khi chúng em tới trường, bác đón ngay cổng ra vào, vừa hướng dẫn xếp xe vừa nhắc nhở các bạn ra vào đúng quy định tránh gây ùn tắc giao thông. Gõ trống, đóng cửa, dọn vệ sinh, hướng dẫn khách và phụ huynh đến liên hệ công việc…

Nhiều việc như vậy nhưng chưa bao giờ em thấy bác cáu gắt hay tỏ ra mệt mỏi. Chỉ là một nhân viên phục vụ nhưng cả trường ai cũng quý và nể phục bác. Có lẽ vì bác là người sống rất nghiêm túc và tận tụy với công việc. Với riêng em, có những kỉ niệm về bác có lẽ không thể nào quên được.

Mẹ em đi làm công ty hôm nào cũng đến lên đèn mới về đến nhà. Ngày đầu tiên đi học, các bạn đã có người đón hết, trời tối dần, mặc dù đã được mẹ dặn dò rất nhiều nhưng nỗi sợ hãi cứ hiện lên trong đầu em. Thế rồi em òa khóc nức nở. Bác Long ôm em vào lòng, lau nước mắt rồi kể chuyện cho em nghe.

Câu chuyện của bác kể về những năm tháng chiến tranh, câu chuyện không có mở đầu, không có kết thúc. Em không hiểu gì nhiều nhưng những câu chuyện ấy đã an ủi em những khi chờ mẹ đón. Biết tính em hay chạy nhảy và không thích ngồi trong phòng, bác còn tự tay đóng cho em một chiếc ghế bằng gỗ rất xinh để ngồi trong nhà chờ đợi mẹ. Thỉnh thoảng bác lại dúi cho em vài cái kẹo cái bánh.

Vì yêu quý bác đã có lúc em tặng bác chiếc kẹp tóc cài trên đầu. Bác cười và nói: cái kẹp tóc này chỉ dành cho những cô bé xinh xắn như cháu thôi. Bây giờ nhiều lúc nhớ lại em vẫn thấy mình thật buồn cười. Bác bảo vệ trường em là vậy đấy. Mãi mãi trong tâm trí em vẫn lưu giữ hình ảnh bác bảo vệ đáng kính.

Bài văn tả bác bảo vệ số 10

Trong cuộc sống xung quanh em, em đã tiếp xúc và làm quen với rất nhiều người: những người hàng xóm thân quen, những bạn, những bè nơi trường lớp gắn bó, thầy cô đã dạy dỗ em… Nhưng có lẽ nơi mái trường thân yêu này, em nhớ nhất là bác bảo vệ trường em.

Bác bảo vệ trường em đã ngoài 50 tuổi rồi. Nhà bác gần trường, mà bác cũng rảnh rỗi nên đã làm bảo vệ ở trường em. Mái tóc bác đã dần xuất hiện những sợi tóc bạc. Những sợi tóc màu trắng xen vào giữa những sợi tóc đen khiến chúng em nhìn thấy mà vô cùng buồn bởi đó là dấu hiệu của tuổi già, rằng bác đang già đi, đang dần nhiều thêm tuổi nữa.Khuôn mặt vuông chữ điền của bác vô cùng phúc hậu. 

Đôi mắt đã dần xuất hiện những vết chân chim quen thuộc mà em vẫn thấy ở trên đôi mắt của bà nội, dần xuất hiện vệt mờ của thời gian chạy qua. Nhưng dù vậy, bác vẫn còn nhìn rõ lắm, bác còn nhớ rõ mặt em chỉ sau 1 lần gặp mặt đấy. Khi bác đọc báo đều sẽ đeo một cặp kính lão để có thể nhìn thấy chữ rõ hơn.

Bác lúc nào cũng cười, tiếng cười vô cùng vui vẻ, như theo gió mà truyền tới cho người khác niềm vui vậy. Làn da sạm đi vì nắng của bác đã dần xuất hiện những vết đồi mồi mờ mờ. Dù vậy nhưng bác vẫn còn khỏe mạnh lắm. Hằng ngày, bác vẫn đi hết các lớp học để kiểm tra xem các lớp đã tắt điện, tắt quạt sau khi ra về chưa. Hằng ngày bác vẫn cho đàn cá vàng trong hồ nước của nhà trường ăn đầy đủ, tưới nước cho vườn hoa của trường. 

Những công việc nhỏ nhưng lại tốn khá nhiều sức vì phải di chuyển nhiều lại luôn được bác làm tốt. Những buổi chiều bố mẹ đón muộn, em cùng một vài bạn khác đứng chờ ở cổng trường, bác đều gọi chúng em vào phòng bảo vệ ngồi cho đỡ mỏi chân. Khi ấy, chúng em đều vui vẻ chuyện trò với bác mà quên mất cả tiếng gọi của bố mẹ ngoài kia. Bởi những câu chuyện của bác hấp dẫn chúng em vô cùng. 

Bác trước khi làm bảo vệ ở trường, khi đất nước có chiến tranh, bác chính là một người lính quả cảm và anh dũng mà chúng em chỉ được biết đến qua những bài học lịch sử. Những câu chuyện về chiến tranh, về tình người tại thời điểm khắc nghiệt khi ấy của bác như một thước phim quay chậm, đưa chúng em ngắm nhìn khung cảnh đất nước lúc bấy giờ.

Em rất yêu quý bác bảo vệ trường em. Bởi hiện tại, bác không chỉ đơn thuần là một bác bảo vệ trong trường nữa, mà còn là người mang tới cho chúng em những câu chuyện đời thường, những bài học từ câu chuyện ấy.

Bài văn tả bác bảo vệ số 1

Mỗi buổi sáng đến trường, em đều nhìn thấy chú bảo vệ. Chú là người đã canh gác ngày đêm để bảo vệ ngôi trường này. Cứ khoảng đến sáu giờ đúng là chú xách chiếc ghế gỗ và cầm một tờ báo ra đằng trước cổng ngồi khiến em dễ quan sát chú hơn.

Chú Bảo là người bảo vệ của trường em cũng khá lâu rồi. Chú năm nay đã bước qua tuổi năm mươi nhưng chú vẫn mạnh khỏe. Dáng người không cao, vừa người, chỉ có cái lưng còng, lom khom khiến việc di chuyển cũng khá bất tiện. Da tay sần sùi, rám nắng không còn mềm mại như trước kia vì những tháng ngày, buổi trưa nóng bức mà chú phải ngồi gác khuôn viên trường. 

Đôi mắt một mí, đen, có những vết chân chim bên hai mí mắt. Lông mày to đen, ở sau đã bị hoa râm một chút. Vầng trán cao, mỗi lần chú cười hay nhíu mày thì xuất hiện rõ những nếp nhăn đầy trên trán. Đôi môi thâm, khô, nứt nẻ, để lộ hàm răng ố vàng vì nhiều lần chú hút thuốc. Hai bên má gầy gò xuất hiện hai đồng tiền lún sâu ở phần má. 

Làn da sần sùi, đen, có những dấu đồi mồi xuất hiện. Cách ăn mặc của chú trong trường rất đơn giản, mặc đồng phục bảo vệ đúng quy định. Mặc dù công việc này khá phức tạp và khó khăn nhưng chú vẫn kiên cường đạt đuổi theo ước mơ. Buổi sáng, chú dậy rất sớm mở cổng cho học sinh. 

Còn buổi tối chú phải canh gác trường em. Cứ khoảng bảy giờ tối là chú lại đi kiểm tra hết dãy lớp học này đến dãy lớp học khác. Cứ mỗi khi có gió thổi qua, những chiếc lá bàng rơi khắp sân trường. Chú sẵn sàng cầm chổi quét tất cả lá bàng vào một góc rồi hốt bỏ vào thùng rác. Thấy học sinh nào xả rác bừa bãi, chú ân cần nhắc nhở mà không la mắng, trách phạt gì.

Phải canh một ngày trời mệt nhọc mà chú không hề than thở. Mồ hôi ướt đẫm trên lưng nhưng chú vẫn kiên cường quyết tâm đạt được mục tiêu. Chú Bảo rất thân thiện và yêu mến học sinh trong trường như con cháu của chú. Nên trong trường ai cũng quý mến chú. Em thầm  biết ơn chú Bảo vì nhờ chú mà khuôn viên trường luôn sạch đẹp.

Bài văn tả bác bảo vệ số 3

Để ngôi trường được bình yên, an toàn, ổn định hẳn không thể thiếu vai trò quan trọng của bác bảo vệ. Bác giống như một vị thần đang trông coi tòa lâu đài diễm lệ để tránh sự xâm phạm của kẻ xấu. Với chúng em, hình ảnh bác bảo vệ yêu kính ngày ngày trông coi, bảo vệ ngôi trường thân thương đã rất quen thuộc và gần gũi. Em rất yêu quý và kính trọng bác.

Bác giống như bậc cha, chú trong nhà. Có gì không phải bác đều chỉ bảo cho chúng em rất nhiệt tình. Bác có lẽ năm nay đã ngoài 40 tuổi. Khuôn mặt bác vuông chữ điền, nước da ngăm đen, có lẽ vì phải lăn lộn nhiều trước sóng gió cuộc đời nên làn da trông rất khỏe và cứng rắn. 

Khuôn mặt ấy cũng đã có những nếp nhăn, những vết chai sạn nhưng trông vẫn rất hiền lành và tốt bụng. Bác không hay cười nói, có lẽ để chúng em biết khuôn phép và tuân thủ thì bác muốn giữ sự nghiêm nghị ấy để răn đe chúng em nề nếp được tốt hơn. Dáng người bác khá vạm vỡ, những bước đi chắc nịch, vững chãi trông rất ra dáng một người làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, an toàn cho trường học.

Với bác, lần đầu nếu không quen và hay tiếp xúc thì hẳn sẽ nghĩ rằng bác rất nghiêm khắc và khó tính. Nhưng kì thực không phải như vậy, bác luôn tạo cho chúng em một sự thân mật nhất định để chúng em không được phép đùa quá chớn. Bác rất tốt bụng, có gì ngon bác thỉnh thoảng cũng hay chia đều cho chúng em. Nhưng điều khiến bọn em kính trọng chính là thái độ và tinh thần bác làm việc. 

Bác làm việc rất nghiêm túc và cẩn trọng, không bao giờ để ban giám hiệu trường phải nhắc nhở nhiều. Các thầy cô giáo trong trường thỉnh thoảng nếu chưa tới giờ lên lớp thường hay ghé qua chỗ bác hỏi thăm tình hình, đánh cờ và uống nước. Cảm giác rất thân mật và gần gũi. Công việc của người bảo vệ cũng không dễ dàng gì. Nó đòi hỏi sự chăm chỉ, cần mẫn và sự hi sinh lớn lao nữa. 

Hàng ngày, bác phải dậy sớm từ lúc trước 6 giờ để đi đến các lớp học mở cửa chờ chúng em bước vào. Mùa nắng thì không vấn đề gì, nhưng nếu là mùa lạnh cái rét cắt da cắt thịt chúng ta chỉ muốn ngồi trong chăn cuộn tròn ấm áp thì lúc ấy bác đã phải dậy từ trước để làm nhiệm vụ. Túc trực suốt 24 giờ có lẽ ngôi trường coi bác như người cha già kính yêu luôn chăm sóc, lo lắng cho nó. 

Ban đêm, khi trời mờ dần, bầu trời chỉ còn là một tấm vải đen thì bác phải đi quanh trường một lượt, xem lớp nào chưa tắt điện, khóa cửa lớp bác lại làm hộ công việc đó. Ban đêm hễ có tiếng động bất chấp mưa gió thế nào bác cũng phải dậy kiểm tra. 

Tối đến, trước khi đi ngủ, bác đều phải tuần tra cả trường lại một lượt rồi mới yên tâm kê lưng gối đầu. Ngoài việc trông coi an ninh trường, bác còn giúp nhà trường quản lí gián tiếp chúng em, xem đứa nào hay nghịch ngợm, vi phạm nề nếp thì ghi lại báo lên để bị xử phạt. Không phải bác ghét bỏ gì, mà làm như vậy là để chúng em lớn dần lên và quen với sự tự lập, nghiêm khắc để nghiêm túc với bản thân. 

Nhờ sự ân cần và sự nghiêm khắc đúng mực ấy bác đã dạy chúng em rất nhiều khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bác giống như bậc cha chú trong nhà, luôn yêu quý chúng em. Chúng em luôn yêu quý, kính trọng bác. Tưởng tượng sau này càng lớn dần lên, phải xa mái trường thân yêu, xa bác, chúng em mỗi khi mắc khuyết điểm sẽ không còn được chỉ bảo nhẹ nhàng như vậy, mà cuộc sống sẽ đáp trả theo một cách khác, em lại càng lưu luyến không rời. Cảm ơn bác vì luôn bên cạnh bọn cháu trong suốt những tháng năm học trò.

Bài văn tả bác bảo vệ số 6

Trường tôi không rộng lắm nên chỉ có một bác bảo vệ trông coi. Ngày nào bác cũng làm những công việc giống nhau, trông nom trường học và giúp đỡ học trò, vì vậy mà chúng tôi ai cũng yêu quí bác.

Bác bảo vệ năm nay đã hơn sáu mươi tuổi. Trước đây, bác là bộ đội ở biên giới, lập được rất nhiều chiến công. Vì thế, chúng tôi thường gọi bác là dũng sĩ. Sau chiến tranh, bác trở về phục vụ quê hương. Mấy năm nay, bác vào làm bảo vệ ở trường tôi. Điều ấn tượng đầu tiên với tôi và mọi người là làn da đặc biệt của bác. Làn da bị cháy đen, có chỗ loang lổ những vết sạm. 

Nhìn da bác, người ta như thấy được cả cái nắng, cái mưa khắc nghiệt của núi rừng bao năm tháng phá hủy con người. Bác có gương mặt cương trực, nghiêm nghị mà lúc đầu nhìn thấy chúng tôi sợ lắm. Tuy đã nhiều tuổi nhưng đôi mắt bác vẫn sáng và tinh nhanh. Tôn thêm cho khuôn mặt là đôi lông mày dày rậm, toát lên vẻ mạnh mẽ. 

Bác bảo vệ đậm người, không cao mà cũng không thấp. Bác còn khỏe mạnh, vững chắc lắm. Những bắp tay cuồn cuộn như một lực sĩ. Duy có đôi chân của bác không còn lành lặn nữa, một bên là chiếc chân gỗ. Trong chiến dịch năm xưa bác bị thương nặng nên muốn giữ tính mạng bác đã phải cưa mất một bên chân. Nhưng nhìn bác đi, khó ai có thể đoán được đấy không phải là chân thật. 

Bác đã quen lắm rồi, cái chân gỗ này đã là tri kỉ, nó đã thành máu thịt của bác từ bao giờ không biết. Dường như ngày nào, tháng nào bác cũng mặc những chiếc áo bộ đội đã cũ và bạc màu. Trên cầu vai có một mảnh vá nhỏ. Nhưng với bác, chiếc áo ấy là kỉ niệm cả một thời đạn bom oanh liệt. Nhất là những ngày lễ lớn, bác mặc nguyên một bộ quân phục nghiêm trang, đẹp đẽ. 

Sáng nào bác cũng dậy từ rất sớm. Từ khi ông mặt trời vẫn còn đang ngái ngủ, bác đã dậy làm việc rồi. Bác đi kiểm tra một vòng, cẩn thận từng phòng, từng ngóc ngách, thấy cái gì hỏng bác liền sửa ngay. Rồi bác chăm vườn cây sau trường, chăm chút tỉ mỉ như đứa con của mình. Xong việc đâu đấy, bác ra mở rộng cánh cổng sắt, mỉm cười chào đón chúng tôi. 

Thoạt nhìn thấy bác bảo vệ khó tính, nghiêm khắc và khó gần. Nhưng khi chuyện trò, tiếp xúc rồi thấy bác là cả một kho tàng, một thế giới. Nghe những câu chuyện về chiến tranh mà chúng tôi như nhìn thấy cả dân tộc qua bác. Không chỉ thế, bác còn thuộc rất nhiều dân ca, ca dao, hò vè, thuộc nhiều thơ văn cổ… Bác hát chèo rất hay nữa. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, bác hát một trích đoạn cho học trò nghe. Chúng tôi nghe thích thú, say sưa quên cả về nhà… 

Bác bảo vệ của chúng tôi không có một gia đình riêng. Bác coi ngôi trường này là nhà, coi các thầy cô giáo là anh chị em, coi học trò chúng tôi là con cháu… Bác đã hi sinh cả đời mình cho dân tộc, quê hương và giờ đây bác lại cống hiến sức lực còn lại cho thế hệ tương lai. Hình ảnh bác bảo vệ đã quá thân quen và gần gũi với mỗi học sinh của nhà trường. Nhìn bác, chiều chiều lầm lũi một mình chúng tôi thầm hỏi, trên đất nước Việt Nam ta còn bao nhiêu con người như thế.

Bài văn tả bác bảo vệ số 8

Người gắn bó với chúng em ở ngôi trường tiểu học này không chỉ có các thầy cô, bạn bè mà còn có cả bác bảo vệ nữa. Bác là người giữ cho ngôi trường của em đảm bảo an toàn, bình yên. Với em, bác bảo vệ như một người hùng giữ trường vậy.

Em không rõ bác đã gắn bó với ngôi trường này từ bao giờ, chỉ biết là khi em chập chững bước chân vào trường thì đã thấy bác. Bác năm nay gần 60 tuổi rồi, nhưng trông bác vẫn còn phong độ lắm. Dáng người bác cao và đậm trông rất khỏe khoắn. Đôi tay của bác to và chắc nịch. Vậy nên mỗi lần bác gõ trống, em đều nghe thấy tiếng trống to, giòn giã và dứt khoát. 

Em rất thích ngắm nhìn khuôn mặt hiền từ, phúc hậu của bác. Mỗi lần chúng em đi qua cổng trường chào bác, bác đáp lại với một nụ cười rất tươi. Tuy nhiên, nếu có học sinh vi phạm như trèo cây, xả rác bừa bãi hay nói tục thì khuôn mặt bác nghiêm lại. Đôi mắt của bác đen, ẩn dưới đôi lông mày rậm. Vầng trán của bác cao, mỗi khi bác cười bác hay nhíu mày nên những vết nhăn trên trán lại xuất hiện.

Bác là một người rất tận tâm với công việc. Hàng ngày, bác đánh trống báo hiệu giờ vào lớp. giờ tan học rất chính xác. Nhiều lúc lười học, em mong ngóng tiếng trống tan học của bác biết bao nhiêu. Ban ngày, bác ngồi ở bốt bảo vệ cổng trường, không cho học sinh nào trốn tiết hay bỏ ra ngoài đi chơi, cũng không để cho người không có phận sự vào trường học. 

Đến chiều tối, khi tất cả đã về hết chỉ còn lại bác với ngôi trường thì bác cầm chiếc đèn pin đi dọc hành lang các lớp học để kiểm tra. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh thần trách nhiệm cáo và có sức khỏe bền bỉ. Bởi ngày nào cũng vậy, ngày nắng cũng như ngày mưa, bác đều phải đi tuần quanh trường. Đôi khi thấy những bạn học sinh cá biệt trèo bàn ghế, phá hỏng đồ của trường bác nghiêm khắc phê bình. Cũng nhờ có bác mà cây cối trong trường luôn xanh tốt.

Trường em, ai cũng yêu quý bác. Nhờ có bác mà ngôi trường của em luôn an toàn, bình yên, rộn rã tiếng cười thơ trẻ vì đã có bác bảo vệ.

Bài văn tả bác bảo vệ số 2

Bác Chính là bảo vệ trường em. Bác công tác ở trường em đã trên mười năm, chị em bảo thế.

Bác là thương binh, mất một cánh tay trái, tại chiến trường biên giới. Người bác cao, gầy. Bụng và mông bác còn nhiều mảnh đạn. Tóc cắt ngắn, cặp mắt sâu, cái mũi cao hơi đỏ. Bác nói nhẹ nhàng, cử chỉ lịch thiệp, hay cười. Bác vui tính nên ai cũng mến. Các thầy cô giáo trong trường đều thân mật kính trọng gọi là: “Chú”, “Chú Chính”. 

Khách đến trường, các vị phụ huynh đều gọi là “Bác”. Bác đã 45 tuổi, rất nhanh nhẹn. Học sinh cần gì, các thầy cô giáo cần gì, bác nhiệt tình giúp đỡ ngay. Bác đánh trống báo giờ học, báo giờ ra chơi không bao giờ sai một phút. Trong bộ quân phục bạc màu, ống áo trái dắt vai, trông bác vừa nghiêm trang vừa bình dị. Một bọn cờ bạc bịp đến cổng trường giở trò móc túi trẻ con, bác nhẹ nhàng nói, chỉ một lúc sau, chúng đều đi thẳng. 

Có một tay “thiện xạ” ăn mặc rất bảnh, nghe nói là “con ông cháu cha” ngang nhiên xách súng vào bắn chào mào trên các ngọn cây bàng. Chẳng cần to tiếng gì cả, chàng “thiện xạ” đã hứa với bác là không bao giờ đến bắn chim trong trường  nữa. Thằng Quý, thằng Phương vào trộm bàng chiều chủ nhật. Bác bắt được khi đang leo trên ngọn cây. Bác gọi xuống và ôn tồn nhắc: “Cứ từ từ, kẻo ngã…”.

Hai cu cậu phải viết vào một tờ giấy chỉ có ba chữ: “Cháu xin chừa”, với chữ kí kèm theo. Bác chẳng báo cáo với ai, thế mà hai bạn ấy không leo bàng nữa. Mỗi lần có học sinh bị ốm đau, bác giúp đỡ tận tình, coi như con cháu trong gia đình. Bác gần gũi và quan tâm tới tụi học trò. Nhiều khi ngồi nghe bác kể chuyện về ngôi trường này hay những câu chuyện về các anh chị khóa trước đã ra trường rất thú vị.

Em mong sao bác bảo vệ trường em luôn luôn khỏe mạnh để tiếp tục công tác, cống hiến cho mái trường mến yêu của chúng em. Mai này dù có đi đâu xa, hình ảnh mái trường với thầy cô, bạn bè trong đó có cả bác bảo vệ sẽ in đậm trong tâm trí em.

Bài văn tả bác bảo vệ số 9

Ngôi trường từ bao giờ đã trở thành ngôi nhà thứ hai, là một phần của tuổi thơ mỗi người. Nơi đó là sân trường rộng lớn, nơi có hàng cây thoáng mát, có bạn bè thầy cô. Có cả những con người, cùng với thầy cô, lặng lẽ nhìn những lứa học trò chúng tôi khôn lớn: bác bảo vệ trường tôi.

Bác bảo vệ trường tôi tên là Nam. Coi bác như một người thân trong đại gia đình, chẳng bao giờ để ý tên đầy đủ bác là gì, chỉ đơn giản là bác Nam, cũng không ai gọi là bác bảo vệ. Trải qua 60 mùa xuân trên cuộc đời, bác có dáng người mảnh mai, không cao lớn cũng chẳng phải người to khỏe như mọi người hay tưởng tượng khi nghĩ đến những người bảo vệ. 

Nước da ngăm đen, rám nắng cùng chiếc áo màu xanh lam huyền thoại xắn đến khuỷu tay, đôi dép cao su đã cũ và chiếc mũ cối cũng xanh luôn ở trên đầu, dù ở xa, chúng tôi cũng có thể nhận ra bác rồi. Hiền từ và dễ gần ngay từ cái gặp đầu tiên là những điều mọi người có thể thấy ở bác. Có lẽ bởi khuôn mặt quá nhân hậu và chân chất ở bác? 

Khuôn mặt đã sạm đi vì những “sương gió dạn dày”, những nếp nhăn đã rõ rệt qua thời gian và tuổi tác cũng khiến người ta hiểu và thêm kính trọng bác hơn. Cha ông thường nói: con người đẹp nhất là ở con mắt, có đúng với con trai không? Nhưng tôi thấy nó đúng với bác Nam.  Đôi mắt bác nheo lại, nhưng vẫn có thể thấy từ đó sự ấm áp và nhẹ nhàng đến lạ kì, như ánh nắng mùa xuân, không chói chang, gay gắt mà có sức mạnh đến lạ kì làm hồi sinh vạn vật.

Đôi mắt ấy hình như còn có cảm xúc nữa. Đôi mắt nheo lại khi vui sẽ khác với đôi mắt nheo lại thất vọng khi thấy chúng tôi làm gì không đúng. Và khi ấy, chúng tôi biết mình phải xin lỗi và làm nũng với bác. Đôi tay bác nhỏ nhắn, những vệt gân xanh nổi lên rõ rệt nhưng cứ như có sức mạnh siêu nhiên vậy, có thể khiêng và bê mọi thứ nặng hay giúp đỡ mọi người bất cứ khi nào cần.

Vì thế mọi người ai cũng rất yêu quý bác. Các thầy cô đều rất kính trọng và yêu mến bác. Còn lũ học trò chúng tôi, bác chẳng khác gì người trong nhà vậy. Bác Nam từng là cựu chiến binh, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mĩ oanh liệt của đất nước. Bác có một căn phòng nhỏ ở giữa hai dãy nhà, đó chính là nhà ở của bác, cũng là nơi trú ngụ và vui chơi của chúng tôi ở trường học. 

Phòng bác có rất nhiều thứ để chơi: cây cảnh, các dụng cụ của bác, những bi nước thời chiến và cả những câu chuyện của bác nữa. Lũ trẻ chúng tôi thường quây quần bên chiếc giường nhỏ của bác để nghe bác kể chuyện. Đó không phải chỉ là câu chuyện kể, đó là những thước phim sống động trong đầu chúng tôi với âm thanh là giọng nói trầm ấm của bác, là những khoảnh khắc thót tim khi đối đầu với địch, là những giây phút hạnh phúc khi được hát ca bên đồng đội, là sự xót xa khi thấy đồng đội của mình phải ngã xuống, mãi mãi, … 

Khi chúng tôi cười, khi chúng tôi hồi hộp, khi chúng tôi lại khóc. Bác chỉ lặng lẽ ngắm nhìn, và mỉm cười. Không biết bác mỉm cười gì nhưng chúng tôi cũng cười và thấy rất hạnh phúc. Đó chính là lí do tại sao chúng tôi lại yêu mến bác như thế.

Thỉnh thoảng, tôi lại nghĩ nếu phải xa ngôi trường này, phải xa bác Nam, thì chúng tôi biết phải làm thế nào đây. Chắc sẽ buồn lắm. Nhưng bác lại hiền hậu nói: “Chỉ cần chúng ta luôn nghĩ đến nhau, thì ở đâu cũng đâu có quan trọng đâu nhỉ?”

Bài văn tả bác bảo vệ số 7

Bác Tường bảo vệ trường em là người rất vui tính. Bác đã bảo vệ trường em từ trước khi em bước chân vào trường học này.

Năm nay bác cũng ngoài 50 tuổi rồi nhưng trông bác còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn như thanh niên trai tráng. Bác có dáng người cao, không hề có bụng bia, chắc do bác siêng năng tập thể dục. Khuôn mặt vuông vức, quai hàm bạnh ra và đôi mắt hiền từ khiến cho lũ học trò chúng em rất ấn tượng. Bác hay mặc bộ đồng phục màu xanh lơ, trên ngực đeo phù hiệu của trường, cầu vai có 3 sọc vàng trông rất uy nghi.

Mỗi ngày, công việc của bác đều giống nhau từ việc đóng, mở cửa, quét dọn các lóp học và sân trường, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh,… thì bác phải tiếp xúc với rất nhiều người từ các thầy cô đến học sinh và khách đến trường. Tuy nhiên, lúc nào bác cũng rất cởi mở, vui vẻ, hoạt bát và làm việc tận tụy như một chú ong thợ phục vụ mọi người không biết mệt mỏi.

Giọng nói của bác dõng dạc, truyền cảm hứng thấu vào lòng người. Những phụ huynh nào vào trường chưa biết lối đi, bác ôn tồn, vui vẻ hướng dẫn nơi để xe và vào văn phòng để gặp thầy cô giáo liên hệ công việc. Đến buổi tan học, bác thường ra nơi cổng trường hướng dẫn, phân luồng cho xe lưu thông, tránh bị kẹt xe nơi công cộng.

Bác Tường là người rất yêu công việc của mình. Bác sống có trách nhiệm nên được tất cả mọi người đều yêu mến. Em học được ở bác đức tính cẩn thận, chu đáo với công việc.

Trả lời