Một ngôi sao đặc biệt
Thành công không đến một cách tự nhiên. Bạn phải giành giật nó. Và Quang Hải lại chiến đấu một lần nữa. Anh luôn biết mình có thể làm được những gì, từ khi còn một cậu nhóc đòi mẹ mua cho trái bóng da, hay vào lúc 11 tuổi, phải gạt đi nỗi nhớ nhà để miệt mài tập luyện ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội. Trong hàng ngàn đứa trẻ học làm cầu thủ, bạn có thể nhìn thấy sự khéo léo, sức mạnh hay tốc độ ở bất kỳ đâu. Nhưng để bứt phá thành một ngôi sao, cần thêm những yếu tố khác, và không thể học được. Một trong những điều đó là tầm nhìn, để đưa ra quyết định chính xác tức thì.
Quang Hải sở hữu phẩm chất ấy. Khi chàng trai gốc Đông Anh lướt đi và tạo nên những chuyển động ảo diệu để luồn lách qua các hậu vệ, đồng thời trí não cũng tiến hành các hoạt động phân tích, giúp anh tìm ra lỗ hổng phòng thủ bên phía đối phương. Vì vậy Quang Hải có thể chơi tốt ở bất cứ đâu, từ chạy cánh, hộ công hay tiền vệ trung tâm. Và từ mọi vị trí, anh đều có khả năng đe dọa đối thủ. Điều đáng nói là chàng cầu thủ, bây giờ đã 21 tuổi, không bao giờ bị ám ảnh với các bàn thắng. Anh luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Suốt chiến dịch AFF Cup 2018, Quang Hải chỉ có 3 bàn. Nhưng cùng với đó là 22 cơ hội ngon ăn dành cho đồng đội (hay 2,75 lần mỗi trận), nhiều nhất giải đấu. Tuyển Việt Nam hưởng lợi vì điều đó và trở thành những nhà vô địch.
Sự tận tâm, hay nỗ lực cống hiến của Quang Hải là không thể nghi ngờ. Nhiều năm qua, anh đã luôn kiên định theo đuổi viễn cảnh về “một ngày nào đó giương cao lá quốc kỳ và nở nụ cười hạnh phúc như thế hệ năm 2008”. Chỉ cần không ngừng cố gắng để hiện thực hóa giấc mơ, số phận cuối cùng cũng bị khuất phục. Và bây giờ, Quang Hải thực sự là người được lịch sử lựa chọn.
Quang Hải được chọn lên Trung tâm huấn luyện là bất ngờ ngoài sức tưởng tượng
Mẹ của Quang Hải tâm sự: “Quyết định để con rời xa gia đình, xa vòng tay bố mẹ năm ấy không hề dễ dàng. Ở tuổi lên 9, ăn chưa no, lo chưa tới, người con đen nhẻm, bé tí như cái kẹo. Tôi sợ con không có bố mẹ ở bên quan tâm, chăm sóc sẽ thiệt thòi, tủi thân. Mấy hôm liền tôi thức trắng đêm suy nghĩ, cân nhắc, bữa cơm tôi bảo “hay thôi ở nhà với mẹ, lên đấy rồi ai chăm con”. Hải buông vội bát cơm nói “con sẽ tự chăm mình được, mẹ cho con đi nhé”. Tôi chưa trả lời, con nhất định không ăn cơm. Trước sự quyết tâm của con, hai vợ chồng tôi đồng ý cho con lên trung tâm huấn luyện”.
Cú sốc lớn nhất trong đời
Từ làng quê nghèo, Quang Hải chính thức đặt những bước chân đầu tiên vào con đường bóng đá chuyên nghiệp. Đó là năm 2007, anh được thầy Vũ Minh Hoàng – huấn luyện viên của lò đào tạo trẻ Hà Nội phát hiện và tuyển chọn. Nhận thấy tố chất đặc biệt của Quang Hải, thương hoàn cảnh của cậu học trò nghèo hiếu học, thầy Vũ Minh Hoàng không những chỉ dạy mà còn nhận Hải làm con nuôi, quan tâm, lo lắng cho Hải như con ruột.
Những lúc Quang Hải buồn vì nhớ bố mẹ, yếu lòng sau buổi tập luyện khắt khe, căng thẳng, thầy Vũ Minh Hoàng đã động viên, an ủi, tiếp thêm niềm tin cho Quang Hải yên tâm tập luyện. Tuy nhiên, cách đây khoảng 6 năm, khi Hải bắt đầu gặt hái những thành tích ở giải U17, U19, U21 Quốc gia…, cha nuôi của Hải, ông Vũ Minh Hoàng qua đời sau một tai nạn đáng tiếc. Đây là một cú sốc “trời giáng” đối với Quang Hải. Anh đau đớn vì mất đi người thầy, người cha nuôi đáng kính, chỗ dựa lớn về tinh thần và niềm tin của mình…
Vượt qua nỗi đau, Quang Hải rèn rũa bản thân, tập luyện thật tốt để báo đáp sự kỳ vọng cha nuôi dành cho anh. Kể từ ngày ấy, Quang Hải luôn nhớ về người cha nuôi mỗi khi anh ghi bàn thắng quan trọng.
Quang Hải có được ngày hôm nay nhờ công lao rất lớn của HLV Vũ Minh Hoàng
Do biết hoàn cảnh khó khăn của học trò, thầy Hoàng nhận Hải làm con nuôi và chăm lo cho cuộc sống cầu thủ sinh năm 1997.
Khoảng sáu năm trước, HLV Vũ Minh Hoàng qua đời. Quang Hải chia sẻ anh luôn nhớ tới người cha nuôi sau khi ghi những bàn thắng quan trọng.
Sau khi ghi được bàn thắng quan trọng vào lưới U23 Australia ở vòng bảng góp phần giúp U23 Việt Nam đi tiếp, Quang Hải đã chia sẻ những dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân tưởng nhớ thầy Hoàng: “Ở trên đó con tin rằng người sẽ tự hào lắm!!! Con sẽ tiếp tục chăm chỉ!!!”
Viên ngọc thô đầy tiềm năng của Bóng đá Việt Nam
Phong trào bóng đá nhi đồng ở quê của Hải cũng khá phát triển, Quang Hải có điều kiện được chơi bóng nhiều hơn ở những giải đấu của địa phương. Cậu bé Hải được biết đến là một cầu thủ nhí có tiếng ở huyện, cậu được chuyển lên trường tiểu học Dương Xá (Gia Lâm) để vừa học văn hóa, vừa bồi dưỡng tài năng.
Ngay lập tức, Hải được xếp vào đội hình U11 Hà Nội, khoác lên mình áo đấu số 7 để tập luyện và sau đó dự Giải bóng đá Nhi đồng toàn quốc cúp Yamaha năm 2008. Mùa giải đó, Hải ghi được 6 bàn cho đội bóng và lọt vào danh sách 10 cầu thủ xuất sắc.
Cái duyên với số áo 19
Tham gia tuyển U19 quốc gia, ban đầu áo đấu của Hải là số 23. Tuy nhiên, trong một lần thi đấu nước ngoài, thật không may anh bị dính chấn thương. Sau đó, về nhà, anh được mẹ tư vấn chọn áo số 19 trùng với số tuổi lúc bấy giờ của Hải để được may mắn mỗi lần ra sân.
Con số này đã chứng tỏ rất có duyên với Hải khi đồng hành với anh trên chặng đường tiến bộ, hoàn thiện kĩ năng. Cũng chính số 19 đã bốn lần hiện trên bảng điện tử tại VCK U23 Châu Á, trong đó hai lần làm thủ thành của Qatar chao đảo rồi ngậm ngùi vào lưới nhặt bóng.
Kiếm được rất nhiều tiền nhưng vẫn sống tiết kiệm
Có thể nói, bóng đá đã cho Quang Hải tất cả, tiền tài, danh vọng… nhưng điều đó không tự nhiên mà đến. Nó đã được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, bằng nỗi đau và cả máu…
Mẹ Quang Hải nói thêm: “Quang Hải chưa bao giờ tự mãn với bản thân. Tôi vẫn nhắc con sau mỗi chiến thắng phải nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu nhiều hơn nữa. Nếu con ngủ quên trong chiến thắng, thì những gì ngày hôm qua con đạt được sẽ sụp đổ”.
Khi bắt đầu có những thành công nhất định, làm ra tiền nhưng tiền vệ Quang Hải sống rất tiết kiệm cho bản thân mình. Tuy nhiên, về thăm nhà lần nào cũng anh cũng mua thuốc bổ cho bố mẹ. Hàng ngày, Quang Hải đều gọi điện cho bố mẹ, hỏi thăm xem bố mẹ ăn cơm chưa, sức khỏe ra sao. “Tiền kiếm được, Hải không tiêu xài hoang phí mà dành xây căn nhà 3 tầng bên cạnh nhà bố mẹ. Hiện công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện. Chắc đến Tết là xong”, mẹ Quang Hải nói.
Cậu bé 2 tuổi yêu thích trái bóng
Chạm tay với trái bóng lần đầu khi mới 2 tuổi nhưng Hải đã tỏ rõ sự thích thú. Bà Lê Thị Cúc (mẹ Hải) ban đầu nghĩ điều đó cũng là bình thường, trẻ con ở quê hầu như đứa nào cũng thế, bà đi mua cho con một quả bóng để cho Hải “nghịch”.
Từ khi có đồ chơi là quả bóng, những lúc rảnh rỗi, Hải chỉ mang bóng ra tập bằng cách tự tâng bóng bằng đầu. 7 tuổi, cậu bé Hải thể hiện đam mê của mình, hằng ngày ra sân bãi đá bóng cùng bạn bè, có khi là những anh lớn hơn tuổi.
“Ngày xưa Hải nó bé như cái kẹo, lùn tí, người thì nhỏ quá, toàn đứng chờ bóng thôi chứ có chạy đuổi theo được bóng đâu” – ông Nguyễn Quang Tuấn (bác ruột của Hải) tiếp lời nhớ lại hình ảnh đáng yêu của đứa cháu.
Biểu tượng của khát vọng
Tuyết bay trắng trời. Và lạnh buốt, khi nước thấm qua lớp vải mỏng, qua găng tay, khiến cơ thể trở nên đông cứng. Quang Hải đứng đó, cố căng mắt để nhìn lối vào khung thành trong không gian chỉ một màu trắng đục.
Rồi anh tiến lên, tự tin và cương quyết, uốn trái bóng bay theo một hình vòng cung, lượn qua đầu các cầu thủ Uzbekistan rồi nằm gọn trong lưới. 1-1 rồi, và trận chung kết U23 châu Á giờ mới thực sự bắt đầu. Trong khoảnh khắc cầu vồng tuyệt đẹp hiện ra dưới màn mưa tuyết Thường Châu, tất cả nhận thấy rằng, dường như Quang Hải là người được lịch sử lựa chọn để đưa bóng đá Việt Nam tới đỉnh cao chói lọi mà không ai dám nghĩ đến, dù trong những giấc mơ ngông cuồng nhất.
Nhưng số phận nghiệt ngã đã khiến mọi thứ đi chệch hướng. Quang Hải, chàng trai nhỏ bé 20 tuổi, chỉ cao 1m68, đã chưa thể trở thành vĩ đại chỉ sau 16 ngày ở Thường Châu. Tuy nhiên, như bình luận của FOX Sports, “giờ thì cả châu Á đã biết Quang Hải là ai và ngả mũ trước anh”.
Tuổi thơ nghèo khó
Ông Nguyễn Quang Thuần – bố tiền vệ Quang Hải tâm sự: “Từ bé lúc mới lẫm chẫm tập đi, Quang Hải đã mê trái bóng rồi. Tôi nhớ lần mình mua một quả bóng nhựa cho con chơi, dù chưa đi vững nhưng con đã ôm khư khư trái bóng cả ngày. Nhà tôi nằm ở cuối làng, sau khi kết hôn, vợ chồng tôi mới chuyển ra ngoài này sống theo diện đất giãn dân. Đối diện với nhà là sân bóng đá của thôn, lớn hơn một chút tầm 5, 6 tuổi, hễ các anh đá bóng là con chạy ra đòi chơi cùng. Thấy vóc dáng Hải lúc đó bé loắt choắt, gầy gò, các anh lớn sợ đá vào người em nên không dám cho chơi. Nhưng sau Hải đòi dữ quá, các anh mới cho vào sân… Cứ như vậy, sân bóng đó đã gắn bó với Hải cả thời thơ ấu, chứng kiến những bước chạy, những cú sút đầu tiên của con”.
Bà Nguyễn Thị Cúc – mẹ của Quang Hải nói: “Ngày xưa hai vợ chồng tôi nghèo lắm, kinh tế khó khăn, quanh năm làm ruộng, chỉ quẩn quanh trong làng mình. Có bao giờ nghĩ đến việc cho con làm cầu thủ bóng đá đâu.
Thấy Hải thích đá bóng, hay tụ tập bạn bè ở sân, có hôm quên cả học bài, tôi gọi về dọa “con không lo học, mẹ không cho ra sân bóng nữa”, con im lặng vào nhà ngồi khóc. Mấy hôm sau, đi học về, Hải bảo “mẹ ơi, con học giỏi, mẹ mua cho con trai bóng da nhé”. Nghe con nói vậy, nước mắt tôi chực trào ra, phải quay đi để con khỏi thấy.
Vì lúc đó, hoàn cảnh thiếu thốn, ăn còn lo từng bữa thì lấy tiền đâu mà mua bóng da cho con. Nhưng tôi vẫn động viên, con học ngoan mẹ sẽ dành 2 ngày công làm thuê mua cho. Từ hôm đó, tuyệt nhiên Hải không nhắc đến việc mua bóng da nữa, có lẽ con sợ tôi phải vất vả. Từ nhỏ, con kiệm lời và chững chạc lắm. Chỉ cần làm gì khiến mẹ buồn, con sẽ thôi luôn, không nghịch nữa…”.