Trò chơi truyền điện
Mục đích: Luyện tập và củng cố kỹ năng tính nhanh, tính nhẩm
Chuẩn bị: Không cần chuẩn bị bất kỳ đồ dùng nào
Cách chơi: Giáo viên hỏi, chẳng hạn 4 + 5 = ?”( hoặc 9 – 3 =? hoặc “mấy cộng 0 bằng 3 ?” ….) rồi chỉ một bạn bất kì trả lời. Bạn này trả lời xong, lại hỏi (tương tự như trên) rồi chỉ một bạn khác trả lời. Cứ tiếp tục nhưng vậy cho tới khi nào giáo viên ra hiệu lệnh dừng lại. Bạn nào được chỉ định phải trả lời thật nhanh. Bạn nào trả lời sai thì chịu phạt.
Lưu ý: có thể áp dụng cho các dạng toán cộng, trừ, nhân, chia tùy vào các bài đã học, nhằm ôn kiến thức cho học sinh
Trò chơi Thỏ Bít ăn cà rốt
Mục đích:
- Giúp học sinh rèn luyện kỹ năng cộng, trừ nhẩm, cộng trừ các số có hai chữ số (không nhớ và có nhớ), nhân, chia trong bảng.
- Phát triển năng lực tư duy sáng tạo, giúp các em có tinh thần đoàn kết.
Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị 2 con thỏ giấy mang một số (là kết quả phép tính) và một số củ cà rốt có mang phép tính
Cách chơi: Giáo viên gắn các con thỏ lên bảng, gắn các củ cà rốt ở một bên. Yêu cầu các nhóm nối tiếp nhau chọn các củ cà rốt mang phép tính có kết quả mà chú thỏ mang trên mình về cho thỏ ăn. Trong vòng 3 phút, nhóm nào mang về nhiều và đúng là thắng. Trò chơi này sử dụng cho các bài: Cộng, trừ, nhân, chia trong bảng.
Trò chơi Ai nhiều điểm nhất
Mục đích: Rèn kỹ năng tính nhanh các phép tính
Chuẩn bị:
- 2 cây chậu cảnh có đánh số 1, 2
- Một số bông hoa bằng giấy màu cứng, mặt trước màu trắng ghi các phép tính
- Phấn màu
- Đồng hồ theo dõi thời gian
- Chọn 3 học sinh khá nhất lớp làm giám khảo và thư ký
Cách chơi: Chia lớp làm 2 đội, khi nghe hiệu lệnh “bắt đầu” lần lượt từng đội cử người lên bốc hoa trên bàn giáo viên, người chơi có nhiệm vụ làm nhanh phép tính ghi trên bông hoa, sau đó cài bông hoa lên cây của đội mình. Người này làm xong cài hoa lên cây thì lại đến lượt người khác. Cứ như vậy cho đến hết 2 phút. Sau khi giáo viên hô hết giờ thì 2 đội mỗi đội cử 1 đại diện lên đọc lần lượt từng phép tính trên cây của mình đồng thời giơ cho cả lớp xem bông hoa đó. Giám khảo đánh giá và thư ký ghi lại kết quả.
Cách tính điểm:
- Mỗi phép tính đúng được 10 điểm
- Tổng hợp số điểm của từng đội. Đội nào nhiều điểm hơn là đội đó thắng cuộc.
Trò chơi Hái hoa dân chủ
Mục đích: Rèn các kỹ năng tính nhẩm cộng, trừ, nhân, chia kỹ năng giải toán.
Chuẩn bị:
Một cây cảnh, trên có đính các bông hoa bằng giấy màu trong có các đề toán. Chẳng hạn:
Em hãy đọc bảng nhân 8.
Em hãy đọc bảng nhân 9.
Tính chu vi mảnh đất hình chữ nhật có chiều dài 125m, chiều rộng 68 m
Kim ngắn chỉ số 3, kim dài chỉ số 11. Hỏi là mấy giờ ?
7m3cm, bằng bao nhiêu cm
Vẽ lên đồng hồ chỉ 14 giờ 27 phút
Câu đố:
“Vừa trống vừa mái
Đếm đi đếm lại
Tất cả sáu mươi
Mái một phần tư
Còn là gà trống
Đố em tính được
Trống, mái mấy con ?
Cách chơi: Cho các em chơi trong lớp. Lần lượt từng em lên hái hoa. Em nào hái được hoa thì đọc to yêu cầu cho cả lớp cùngnghe. Sau đó suy nghĩ trong vòng 30 giây rồi trình bày câu trả lời trước lớp. Em nào trả lời đúng thì được khen và được một phần thưởng.
Trò chơi giải đáp nhanh
Mục đích chơi: Luyện kỹ năng tính nhẩm các phép tính cộng, trừ (tròn chục, tròn trăm, tròn nghìn), nhân chia trong bảng. Rèn kỹ năng tính toán nhanh nhạy.
Chuẩn bị: Chọn 2 đội chơi, mỗi đội tự đặt tên cho mình (chẳng hạn thỏ Trắng – thỏ Nâu ). Cử ban giám khảo, thư ký, các em còn lại cổ vũ cho đội mình.
Cách chơi: Chơi thi đua giũa hai nhóm. Đại diện 2 nhóm oản tù tì xem bên nào ra đề trước. Nhóm thứ nhất nêu tên một phép nhân, chia đã học hay một phép tính cộng trừ các số tròn chục, tròn trăm. Nhóm thứ hai trả lời kết quả (Nếu nói sai thì khán giả được quyền trả lời).
Sau khi trả lời, nhóm thứ hai nêu nhanh một phép tính khác yêu cầu nhóm thứ nhất trả lời. Tiến hành tương tự sau khoảng 5 phút thì dừng lại, ban thư ký tổng hợp xem hai nhóm có bao nhiêu kết quả đúng. Mỗi kết quả đúng ghi 10 điểm. Nhóm nào nhiều điểm sẽ thắng cuộc.
Trò chơi Đoàn kết
Thời gian chơi: 5 – 7 phút.
Cách chơi:
Giáo viên hô: “Đoàn kết, Đoàn kết”
Học sinh hỏi: “ Kết mấy, kết mấy?”.
Giáo viên hô các phép tính như: “ Kết 3 x 2” hoặc “14- 9”, “8+ 3”…
Học sinh phải nhẩm nhanh được kết quả và kết thành nhóm theo yêu cầu.
Luật chơi: Ai nhanh được tuyên dương, ai chậm bị phạt tuỳ theo yêu cầu của lớp.
Trò chơi Gà về chuồng
Mục đích: Giúp học sinh rèn luyện kỹ năng cộng, trừ nhẩm, cộng trừ các số có hai chữ số (không nhớ và có nhớ ), nhân, chia trong bảng.
Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị 2 bảng phụ có hình một số chuồng tương ứng với kết quả và một số con gà mang phép tính (gà nhiều hơn chuồng).
Cách chơi: Giáo viên gắn các bảng phụ lên bảng. Mỗi đội 3 em lần lượt dùng phấn nối con gà mang phép tính với chuồng mang kết quả tương ứng. Trong cùng một thời gian, đội nào hoàn thành sớm hơn và đúng nhiều hơn là thắng.
Trò chơi này sử dụng cho các bài: Cộng, trừ, nhân, chia trong bảng, cộng, trừ nhẩm.
Trò chơi Rồng cuốn lên mây
Mục đích: Kiểm tra kỹ năng tính nhẩm của học sinh. Ví dụ : củng cố các bảng nhân, chia…
Chuẩn bị: Một tờ giấy viết sẵn các phép tính nhân, chia trong các bảng nhân chia trong các bảng đã học
Cách chơi: Một em được chủ định làm đầu rồng lên bảng
Em cất tiếng hát:
“Rồng cuốn lên mây
Rồng cuốn lên mây
Ai mà tính giỏi về đây với mình”
Sau đó em hỏi: “Người tính giỏi có nhà hay không ?”
Một em học sinh bất kỳ trả lời:“Có tôi ! Có tôi !”- Em làm đầu rồng ra phép tính đó, ví dụ : “42 : 7 bằng bao nhiêu ?”
Em tính giỏi trả lời (nếu trả lời đúng thì được đi tiếp theo em đầu rồng). Cứ như thế em làm đầu rồng cứ ra câu hỏi và cuốn đàn lên mây.
Lưu ý: Ở trò chơi này nên chọn em làm đầu rồng (là em Trưởng trò) phải nhanh nhẹn, hoạt bát.
Trò chơi tìm lá cho hoa
Mục đích:
- Củng cố về cộng, trừ nhẩm trong phạm vi các bảng tính.
- Rèn tính tập thể cao
Chuẩn bị:
- 2 bông hoa màu bằng bìa cứng, mặt sau gắn nam châm.
- 10 chiếc lá xanh, có gắn nam châm mặt sau ghi các phép tính
Cách chơi:
- Chọn 2 đội, mỗi đội 4 em
- Gắn 2 bông hoa và những chiếc lá lên bảng rồi giới thiệu. Cô có 2 bông hoa mà nhị của nó là kết quả phải chọn nhanh những chiếc lá có phép tính ứng với kết quả ở nhị hoa và gắn vào cành hoa của đội mình để tạo thành bông hoa toán học thật đúng, thật đẹp.
- 2 đội xếp hàng một, khi nghe hiệu lệnh cả 2 đội bắt đầu chơi. Đội nào nhanh, đúng thì sẽ là đội thắng cuộc.
Trò chơi đối đáp
Mục đích: Rèn cho học sinh kỹ năng tính nhẩm cộng, trừ trong phạm vi 10. Củng cố mối quan hệ giữa phép cộng và phép trừ trong phạm vi 10.
Chuẩn bị: Các tấm thẻ có ghi các phép tính:
4 + 5 = 9 – 5 =
5 + 4 = 9 – 4 =
8 + 2 = 10 – 2 =
2 + 8 = 10 – 8 =
6 + 3 = 9 – 3 =
Cách chơi:
Chơi trong lớp học, em thứ nhất cầm tấm thẻ 4 + 5 = , 9 – 5 = và đọc phép tính. Cả lớp đọc kết quả (bốn cộng năm bằng chín,chín trừ năm bằng bốn). Tiếp tục, em thứ hai giơ tiếp tấm thẻ thứ hai và đọc phép tính: 5 + 4 = , 9 – 4 = , cả lớp đọc kết quả (năm cộng bốn bằng chín, chín trừ bốn bằng năm ) cứ như thế cho đến hết thời gian qui định. Trong quá trình chơi, em nào sai sẽ bị phạt: đọc lại phép tính và kết quả 5 lần.
Trò chơi kết bạn
Mục đích:
- Rèn luyện, củng cố kĩ năng tính nhẩm nhanh các phép tính cộng, trừ, nhân, chia (số tròn chục, tròn trăm).
- Luyện tác phong nhanh nhẹn, tinh mắt..
Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị 10 đến 15 tấm bìa hình chữ nhật có kích thước 10 x15cm, có dây đeo. Mỗi tấm đều có ghi một phép tính hoặc một kết quả tương ứng.
Cách tổ chức:
Học sinh xung phong lên rút thẻ của mình, sau đó tất cả tập hợp thành vòng tròn, các em đeo thẻ trước ngực, mỗi em tự quan sát số thẻ của mình đứng trước và sau số thẻ của bạn nào trong nhóm mình. Tự tính nhẩm kết quả hoặc phép tính tương ứng với kết quả hoặc phép tính ghi trên thẻ của mình.
Yêu cầu cả đội lặc cò cò, vừa hát vừa vỗ tay cùng cả lớp “Lặc cò cò cho cái giò nó khoẻ, đi xen kẽ cho nó khoẻ cái giò”.
Khi giáo viên hô “Tìm bạn! Tìm bạn!”các em nhanh chóng tìm và chạy về với bạn đeo thẻ có kết quả hoặc phép tính tương ứng.
Trò chơi BIN GO
Mục đích:
- Rèn kĩ năng cộng, trừ nhẩm (không nhớ) trong phạm vi 100.
- Rèn tác phong nhanh nhẹn, sự hợp tác tinh ý trong công việc.
Chuẩn bị: Giáo viên kẻ bảng gồm 9 ô vuông như hình vẽ, chuẩn bị một số phép tính gồm cả phép cộng và phép trừ. Các phép tính phải được giấu kín trước khi chơi, chẳng hạn giáo viên sẽ viết sẵn ra những thẻ bài các phép tính: 45 + 4; 64 + 3; 92 + 3; 69 – 8; 96 – 6;56 – 5; 47 – 4; 26 – 6; 57 + 23.
Cách chơi: Chia lớp thành 2 đội, mỗi đội cử 3 bạn tham gia chơi. Giáo viên phát cho một đội bút xanh gọi là “Quân xanh”, đội còn lại mang bút đỏ gọi là “Quân đỏ”. Khi giáo viên rút một thẻ bài có ghi phép tính đọc to lên, hai đội nghe rõ và nhẩm kết quả. Đội nào hô kết quả đúng và trước thì được phép viết kết quả vào một ô trong bảng. Đội nào viết được các kết quả vào 3 ô mà thẳng hàng (hàng dọc, hàng ngang, hàng chéo) thì đội đó thắng cuộc.