Top 9 Bài văn phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm

Bài văn phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi số 8

“Trong vũ trụ bao la có lắm kì quan, duy chỉ có trái tim người mẹ là vĩ đại hơn hết”. Bởi lẽ đó mà những bài thơ hay viết về mẹ luôn truyền đến cho người đọc những rung cảm sâu xa và mãnh liệt. Với cách lựa hình thức lời ru hoà quyện trong những dòng thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu…đã giúp nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thành công trong việc truyền tải những cảm xúc chân thành, sâu lắng của mình về hình tượng người mẹ trong những năm kháng chiến chống Mĩ qua bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”.

Tác phẩm viết về hình ảnh người mẹ dân tộc Tà ôi  nhưng qua đó người đọc cảm nhận được bóng dáng và phẩm chất cao đẹp của người mẹ Việt Nam. Đó là người người mẹ chịu thương, chịu khó, giàu tình thương yêu và đức hi sinh. Nhà thơ khắc hoạ hình tượng ngưòi mẹ thông qua công việc thầm lặng hàng ngày rất đỗi bình dị bằng bút pháp hiện thực song lại lan tỏa rất nhiều cảm xúc đến người đọc. Từ những hình ảnh tiêu biểu: “mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi, vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối”, hằng ngày địu con lên rẫy tỉa bắp, địu con đi để giành trận cuối… đặc biệt hình ảnh đối lập: “Lưng núi thì to mà lưng mẹ  nhỏ”…giúp chúng ta đã cảm nhận đựoc bao vất vả, khó nhọc trĩu nặng trên đôi vai gầy của mẹ. Nhưng từ muôn vàn khó khó khăn, vất  vả ấy đã ngời sáng tâm hồn bao la, cao cả của người mẹ Việt Nam.

Tâm hồn cao đẹp ấy trước hết được thể hiện ở tình mẫu tử thiêng liêng hoà trong âm vang của điệp khúc lời ru trìu mến, dạt dào tình yêu thương xuyên suốt bài thơ. Vì yêu con mẹ đã mẹ thầm lặng hi sinh cả cuộc đời mình. Điều này đã từng được Nguyễn Khoa Điềm diễn tả qua hình ảnh giàu ý nghĩa tượng trưng trong bài “Mẹ và quả”

“Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi”

Đúng vậy, đối với mẹ, con là mặt trời của mẹ – một hình ảnh ẩn dụ giầu chất thơ và gợi nhiều liên tưởng. Con là hạnh phúc, là nguồn sáng vô tận thắp sáng trong lòng mẹ bao niềm tin yêu, lòng dũng cảm để vượt qua bao gian lao, khó nhọc trong những tháng năm đất nước đầy đau thương.    

Cao cả, thiêng liêng biết bao khi tình yêu con của mẹ gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước. Cái riêng hoà trong cái chung cứ ngân vang trong lời ru lắng sâu tình cảm “Mẹ thương Akay”, mẹ thương bộ đội”, “mẹ thương làng đói”, “mẹ thương đất nước”. Niềm tin, tình yêu tổ quốc và khát vọng tự do, độc lập mẹ gửi gắm vào giấc mơ của Akay: 

“Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần, 

Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều.  

Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ, 

Mai sau con lớn làm người tự do”. 

Lời ru của mẹ nuôi con ngày một lớn khôn đó là những chiến công thầm lặng  mẹ đã cống hiến cho dân tộc, góp phần biến giấc mơ của Akay thành hiện thực. Những việc làm thầm lặng hằng ngày của mẹ tuy giản dị song  vô cùng có ý nghĩa, là biểu hiện tấm lòng của hậu phương dành cho tiền tuyến. Chính những điều đó đã  nâng tầm vóc hình tượng người mẹ trở thành một biểu tượng cao đẹp.

Cùng với  nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khác đương thời, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã góp phần  hoàn chỉnh thêm tượng đài bất tử về người mẹ chiến sĩ trong thời kì kháng chiến vừa gần gũi, thân thương vừa cao cả ,vĩ đại. Hình tượng ấy vẫn luôn lặng lẽ toả sáng bồi đắp tình yêu tổ quốc cho bao thế hệ con người Việt Nam.

Bài văn phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi số 3

“Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác vào ngày 25 tháng 3 năm 1971, là một trong số những bài thơ hay của ông. Nổi bật trong bài là hình ảnh người mẹ Tà Ôi như là biểu tượng về người mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là một con người rất mực thương con nhưng cũng vô cùng yêu nước. Dường như đứa con yêu quí và đất nước thân thương nuôi con nên người và đánh giặc giải phóng quê hương là những gì trọng đại nhất cao quí nhất của người mẹ này trong những năm đất nước phải gồng mình chống đế quốc Mĩ xâm lược.

Bài thơ đồng thời là lời hát ru. Tác giả ru em Cu Tai ngủ ngoan (đồng thời miêu tả hình ảnh người mẹ). Người mẹ trong bài ru em ngủ ngoan nhưng đó là lời ru thầm, lời ru trong tim (Lưng đưa nôi và tim hát thành lời). Lời ru của tác giả và lời ru của người mẹ nối tiếp nhau, đan cài, hoà quyện vào nhau làm nên những khúc hát ru vừa đằm thắm, dịu dàng, vừa trầm tư, sâu lắng. Vì kết cấu bài thơ như những khúc hát ru nên bài thơ cứ trở đi trở lại một số khúc giống nhau như những nét nhạc chủ đạo trong một bài hát. 

Bài thơ có ba khúc ru. Mỗi khúc hát ru là một đoạn thơ. Ở đoạn thơ thứ nhất, người mẹ ru con khi địu con trên lưng và giã gạo nuôi bộ đội. Giấc ngủ của em nghiêng nghiêng theo nhịp chày, thấm mồ hôi lao động vất cả của mẹ. Người mẹ Tà Ôi thương con nhất mực không lúc nào chịu rời con đã lấy lưng làm nôi và đôi vai gầy làm gối cho con. Và lời ru con của mẹ cất lên bên cối gạo giữa sàn nhà cũng chính là lời tâm sự, lời tự nhủ, lời mẹ thầm nói với chính mình. Lòng yêu con của mẹ gắn liền với tình thương yêu bộ đội:

“Mẹ thương A Kay, mẹ thương bộ đội

Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần

Mai sau con lớn vung chày lún sân…”

Ước mơ của người mẹ nối liền với giấc mơ của con và cùng hội tụ lại trong tình thương yêu sâu sắc những anh bộ đội. Trong đoạn thơ thứ hai, bà mẹ Tà Ôi địu con đi tỉa bắp trên núi Ka Lưi. Tình thương yêu và niềm hi vọng vô bờ của người mẹ đối với đứa con được thể hiện bằng lời và những hình ảnh độc đáo:

“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ con nằm trên lưng.”

Trong câu thơ trên hình ảnh mặt trời là một hình ảnh thực. Mặt trời đem lại ánh sáng, sự sống cho cây cỏ, làm cho cây cỏ thêm tươi tốt, như cây ngô bắp to, hạt mẩy. Hình ảnh mặt trời ở câu thơ sau là ẩn dụ. Tác giả so sánh ngầm Cu Tai là mặt trời của mẹ. Coi con như mặt trời thì quả là lòng mẹ yêu quí con vô hạn, mong đợi ở con rất nhiều. Đó là ánh sáng, là nguồn sống, là niềm vui, là niềm hạnh phúc, là tất cả tương lai của mẹ. 

Hai câu thơ, hai hình ảnh tôn nhau lên, đối ý với nhau, đã làm nổi bật tình thương yêu sâu sắc và niềm hi vọng lớn lao của người mẹ đối với đứa con. Lời ru của người mẹ Tà Ôi ngân nga trong trái tim mẹ khi mẹ địu con đi tỉa bắp vẫn hướng về đứa con thơ yêu quí của mình. Lòng thương yêu con của mẹ trong hoàn cảnh này gắn liền với tình thương yêu dân làng – những người dân lao động nghèo đói:

“Mẹ thương A Kay, Mẹ thương làng đói

Con mơ cho mẹ hạy bắp lên đều

Mai sau con lớn phát mười Ka Lưi”.

Trong đoạn thơ thứ ba, người mẹ địu con trong tư thế đang “chuyển lán”, “đạp rừng”. Bà mẹ băng rừng, địu con trên lưng đưa con đi “để giành trận cuối”. Lòng yêu con của mẹ đến đây gắn liền với lòng yêu nước: “Mẹ thương A Kay mẹ thương đất nước”. Người mẹ gửi gắm vào giấc mơ của con niềm khao khát được gặp Bác Hồ và mong đất nước được độc lập tự do:

“Con mơ cho mẹ được gặp Bác Hồ

Mai sau con lớn thành người tự do”.

Tiếng hát ru con của người mẹ Tà Ôi không phải được cất lên bên cánh võng hay trên giường ấm nệm êm trong phòng ngủ. Tiếng hát ru ấy ngân lên trong trái tim của mẹ khi mẹ địu con giã gạo, tỉa bắp trên núi, khi mẹ “chuyển lán”, “đạp rừng” hoặc trên đường ra chiến trường để giành trận cuối. Như vậy, bà mẹ Tà Ôi là một người mẹ lao động, trực tiếp sản xuất, phục vụ cho chiến đấu của toàn dân tộc. Tình thương con, thương bộ đội, thương dân làng, thương đất nước hoà quyện vào nhau trong tấm lòng của một người mẹ miền núi yêu nước trong những năm tháng chống Mĩ khó khăn, gian khổ.

Theo lời ru (và cũng là tình yêu thương của mẹ), theo bước chân của người mẹ Tà Ôi, không gian cũng được mở rộng dần: từ sân (khi mẹ giã gạo) đến ngọn núi Ka Lưi (khi mẹ đi tỉa bắp) rồi đến những rừng những suối khi mẹ chuyển lán đạp rừng. Và ước mơ, khát vọng của người mẹ gửi gắm qua lời hát ru tha thiết, nặng tình nặng nghĩa ấy cũng mỗi lúc một lớn dần: “Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần” đến “Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều”… Từ mong muốn “Mai sau con lớn vung chày lún sân” đến “Mai sau con lớn phát mười Ka Lưi” cuối cùng cũng bùng lên thành một khát vọng cháy bỏng “Mai sau con lớn làm người tự do”.

Tinh thần, không khí sục sôi của đất nước trong những năm tháng đánh Mĩ đã đi vào lời hát ru của những bà mẹ. Cuộc chiến tranh nhân dân khiến cả đến những bà mẹ miền núi có con nhỏ vào cuộc chiến đấu hi sinh, gian khổ. Biết bao em bé đã “lớn trên lưng mẹ” đi “đến chiến trường” và trong số họ không ít những người đã thành những anh hùng dũng sĩ. Qua những khúc hát ru với những điệp khúc đã trở đi trở lại nhưng vẫn có sự biến hoá phát triển, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện thật sinh động, ám ảnh đầy sức mạnh nghệ thuật khát vọng mãnh liệt độc lập tự do của toàn dân tộc.

Bài văn phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi số 9

Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã qua đi gần nửa thế kỷ nhưng những giá trị chân thật nhất, đẹp đẽ nhất của nó thì còn mãi, không chỉ lưu truyền trong sử sách mà trong sâu thẳm tiềm thức người Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Bởi làm nên kỳ tích chiến thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ không chỉ là những người ra trận trực tiếp cầm súng mà còn là sự hy sinh, dâng hiến thầm lặng của biết bao bà mẹ Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, chính họ đã nuôi dưỡng tinh thần, tình yêu và hy vọng, tiếp sức cho những người lính tiền phương. 

Và hình ảnh người mẹ Tà Ôi trong bài hát “Lời ru trên nương” là một vẻ đẹp như thế, bình dị mà lớn lao, cao đẹp. “Lời ru trên nương” là một bài hát được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc từ bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tôi còn nhớ một lần thật may mắn được nghe thi sĩ “Mặt đường khát vọng” nói chuyện về thơ, thi sĩ có nhắc lại bối cảnh ra đời của “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”. 

Bài thơ được sáng tác rất nhanh trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: năm 1971, nhà thơ là người lính chiến trường. Vì đơn vị hết gạo, nhà thơ cùng một số anh em đồng đội đi gùi gạo ở cơ sở của ta. Nhìn những bà mẹ Tà Ôi vừa địu con vừa giã gạo, dành dụm những hạt gạo trắng ngần cho bộ đội, nhà thơ liên tưởng đến sự vất vả, nhọc nhằn và những hy sinh lớn lao của họ. Về đến đơn vị, chưa kịp đặt gùi gạo xuống, với chiếc khăn mặt lau mồ hôi, Nguyễn Khoa Điềm ngồi ngay vào bàn và viết “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”.   

 

Bài thơ mang tên là “Khúc hát ru”, khi chuyển thành bài hát, nhạc sĩ Trần Hoàn vẫn lưu giữ tứ chủ đạo của nó qua việc đặt tên cho bài hát là “Lời ru trên nương”. Âm chủ của bài thơ – bài hát được liền mạch từ đầu đến cuối, đó là lời ru – lời ru của người mẹ Tà Ôi. Điểm mới mẻ đầu tiên là có hai người ru em Cu Tai – tác giả và người mẹ. Hai người ru, hai lời ru – những lời ru cứ quấn quýt, vỗ về, vuốt ve qua giai điệu chậm, nhẹ nhàng, tha thiết, đậm chất dân gian dân tộc Tây Nguyên. Với điệu thức adur (La trưởng), nhạc sĩ đề cao kỹ thuật thanh nhạc khi luyến láy, khi mở ra âm vực rộng, qua lời ru hiện thực cuộc sống lao động phục vụ kháng chiến và ước mơ giản dị nhưng cao cả được mở ra:

Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần

Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều

Và cuối cùng là ước mơ được thăng hoa, trở thành khát vọng không chỉ của người mẹ Tà Ôi mà là niềm mong ước cháy bỏng của người dân Tây Nguyên, của nhân dân miền Nam đánh Mỹ: Mai sau con lớn làm người tự do. Cách kết cấu trùng lặp: hiện thực gắn với ước mơ, lời ru và ngợi ca đã làm cho khúc hát có một sự hòa thanh mới lạ.

Đi qua giai điệu tha thiết, mượt mà, sâu lắng của lời ru đến đoạn hai nốt nhạc trở  nên hoạt bát, tiết tấu nhanh, trong sáng đưa ta về với người mẹ em Cu Tai – một người mẹ lao động cần mẫn, say sưa và rất giàu tâm hồn. Công việc mà chị làm vừa có nét truyền thống: giã gạo, phát rẫy lại vừa cò nét hiện đại: đạp rừng chuyển lán, giúp bộ đội nuôi quân đánh Mỹ. Đây không phải là những công việc bình thường của người mẹ trong gia đình. Công việc ấy mang một ý nghĩa khác thường, đó là việc nhà, việc nước, việc kháng chiến, việc cách mạng. Giã gạo, đạp rừng, phát rẫy – mẹ làm những công việc nhọc nhằn ấy để nuôi bộ đội, nuôi dân làng và góp sức mình đánh giặc. Vì vậy mẹ không chỉ là người mẹ riêng của em Cu Tai mà là người mẹ chiến sĩ, cao hơn là người mẹ Tổ quốc đẹp đẽ, lớn lao.

Những lời ru của mẹ – “tim hát thành lời”, đó là tình cảm của mẹ, là khát khao ước vọng của mẹ gửi gắm vào con trai mình. Điều mới ở đây là tình mẫu tử thiêng liêng không chỉ dành cho người con duy nhất của mẹ. Tình thương đó dành cho bộ đội, cho dân làng, và cho đất nước. Hiện tại, tương lai gần, tương lai xa của con trai đều gắn liền với dân làng, với cuộc kháng chiến của cả đất nước, dân tộc.

Một lời ru trên nương, một khúc hát ru nhưng là khúc hát ru hiện đại nên không có những “sung chát đào chua”, không có những “cánh cò đi đón cơn mưa” trong cơn giông tối tăm mù mịt. Cũng không có những hình ảnh tươi đẹp của cuộc sống thanh bình. Hiện ra trong khúc hát ru là nỗi gian khổ, vất vả, nhọc nhằn cùng với nhưng hy sinh lớn lao cao cả: mồ hôi mẹ rơi rơi, vai mẹ gầy nhấp nhô.

Thấp thoáng, ẩn hiện trong giai điệu lời ru còn là hình tượng nghệ thuật tấm lưng của mẹ. Lưng đưa nôi, và lưng chính là nôi. Tấm lưng trần của người mẹ Tà Ôi gắn chặt với con trai trong mọi công việc vất vả, nặng nhọc, tấm lưng ấy nhỏ, không to như lưng núi nhưng bền bỉ như lưng núi và kiêu hãnh hơn lưng núi vì con trai – mặt trời của mẹ nằm ở trên lưng. Và sau hết “Từ trên lưng mẹ em đến trường”, đến đây ta hiểu vì sao Nguyễn Khoa Điềm lại đặt tên cho bài thơ là “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”. 

Phải chăng mẹ đã dùng tấm lưng làm nôi nuôi dưỡng những dũng sĩ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, và gánh chịu tất cả nỗi vất vả gian lao để giành chiến thắng. Người mẹ Tà Ôi, người mẹ Việt Nam mãi mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ sáng tạo. “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ – Lời ru trên nương” là một bản nhạc đẹp trong bản giao hưởng lớn về người mẹ Việt Nam anh hùng. 

Nhân ngày gia đình Việt Nam, bài ca “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” giúp ta hiểu thêm: cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi và công cuộc đổi mới trong xây dựng đất nước hôm nay thu được những thành công bởi có một phần quan trọng sự hy sinh của những người mẹ anh hùng ấy.

Bài văn phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi số 6

Nguyễn Khoa Điềm với Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ. Ông viết tác phẩm giữa những năm tháng quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên cả hai miền Bắc Nam. Thời kì mà cuộc sống của nhân dân vô cùng gian nan thiếu thốn. Tác phẩm viết về hình ảnh người mẹ dân tộc thật đẹp. 

Qua hình ảnh người mẹ Tà Ôi mà người đọc sẽ cảm nhận được bóng dáng và phẩm chất cao đẹp của người mẹ Việt Nam anh hùng. Những người phụ nữ chịu thương chịu khó giàu đức hi sinh và tình yêu thương vô bờ bến. Đó là một con người rất mực thương con nhưng cũng vô cùng yêu nước. Dường như đứa con yêu quý và đất nước thân thương; nuôi con nên người và đánh giặc giải phóng quê hương là những gì trọng đại nhất, cao quí nhất của người mẹ này trong những năm đất nước phải gồng mình chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Bài thơ là khúc hát ru, tác giả ru cho em Cu Tai ngủ nhưng đồng thời cũng là miêu tả hình ảnh người mẹ. Những lời ru của người mẹ trong tác phẩm là những lời ru thầm sâu thẳm trong trái tim người mẹ chứ nó không được cất lên thành lời. Lời ru của tác giả và lời ru của người mẹ nối tiếp nhau, đan cài, hoà quyện vào nhau làm nên những khúc hát ru vừa đằm thắm, dịu dàng, vừa trầm tư, sâu lắng. Vì kết cấu bài thơ như những khúc hát ru nên bài thơ cứ trở đi trở lại một số khúc giống nhau như những nét nhạc chủ đạo trong một bài hát. 

Bài thơ có ba khúc ru. Mỗi khúc hát ru là một đoạn thơ. Ở đoạn thơ thứ nhất, người mẹ ru con khi địu con trên lưng và giã gạo nuôi bộ đội. Giấc ngủ của em nghiêng nghiêng theo nhịp chày, thấm mồ hôi lao động vất cả của mẹ. Người mẹ Tà Ôi thương con nhất mực không lúc nào chịu rời con đã lấy lưng làm nôi và đôi vai gầy làm gối cho con. Và lời ru con của mẹ cất lên bên cối gạo giữa sàn nhà cũng chính là lời tâm sự, lời tự nhủ, lời mẹ thầm nói với chính mình. Lòng yêu con của mẹ gắn liền với tình thương yêu bộ đội:

Mẹ thương A Kay, mẹ thương bộ đội

Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần

Mai sau con lớn vung chày lún sân…

Giấc mơ của người con cũng chính là ước mơ của mẹ, tất cả hội tụ lại trong tình thương yêu sâu sắc những anh bộ đội cụ Hồ. Tình thương vô bờ bến và niềm hi vọng của người mẹ đối với đứa con được tác giả sử dụng những hình ảnh vô cùng độc đáo. Với hình ảnh người mẹ Tà Ôi địu con tỉa bắp trên núi Kai Lưi:

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ con nằm trên lưng.

Tác giả khéo léo sử dụng hình ảnh mặt trời vào những câu thơ này. Cùng là mặt trời nhưng ở mỗi câu thơ lại là một cách miêu tả khác nhau của tác giả. Mặt trời trong câu thơ trên là hình ảnh mặt trời thực tế, mặt trời đem lại ánh sáng, sự sống cho cây cỏ, muôn loài, cụ thể ở đây là những cây ngô cho nhiều bắp to. Còn hình ảnh mặt trời ở câu thơ sâu là hình ảnh mặt trời ẩn dụ. Tác giả nói em Cu Tai là mặt trời của mẹ. Tình yêu thương con vô hạn, mong đợi ở con rất nhiều. 

Con là nguồn sống, là niềm vui, là niềm hạnh phúc, là tất cả tương lai của mẹ. Hai câu thơ, hai hình ảnh tôn nhau lên, đối ý với nhau, đã làm nổi bật tình thương yêu sâu sắc và niềm hi vọng lớn lao của người mẹ đối với đứa con. Lời ru của người mẹ Tà Ôi ngân nga trong trái tim mẹ khi mẹ địu con đi tỉa bắp vẫn hướng về đứa con thơ yêu quí của mình. Lòng thương yêu con của mẹ trong hoàn cảnh này gắn liền với tình thương yêu dân làng – những người dân lao động nghèo đói:

Mẹ thương A Kay, Mẹ thương làng đói

Con mơ cho mẹ hạy bắp lên đều

Mai sau con lớn phát mười Ka Lưi.

Hình ảnh người hiện lên ngày càng đẹp. Mẹ địu con trong tư thế chuyển lán, đạp rừng. Mẹ địu con đi đánh trận cuối. Lòng yêu con của mẹ đến đây đã gắn liền với tình yêu quê hương đất nước. Thương con bao nhiêu thì mẹ thương đất nước bấy nhiêu. Mẹ gửi gắm vào giấc mơ của đứa con nhỏ, niềm khao khát được gặp Bác Hồ và hơn hết là mông đất nước sớm được độc lập tự do.

Con mơ cho mẹ được gặp Bác Hồ

Mai sau con lớn thành người tự do

Người mẹ Tà Ôi không cất tiếng hát ru bên cánh võng hay chiếc nôi mà tiếng hát ru ấy được ngân lên trong trái tim người mẹ khi địu con giã gạo, tỉa bắp trên núi, khi mẹ “chuyển lán”, “đạp rừng” hoặc trên đường ra chiến trường để giành trận cuối. hình ảnh một người mẹ lao động, trực tiếp sản xuất, phục vụ cho chiến đấu của toàn dân tộc được hiện lên rõ ràng trong những câu văn của Nguyễn Khoa Điềm. 

Tình thương con, thương bộ đội, thương dân làng, thương đất nước hoà quyện vào nhau trong tấm lòng của một người mẹ miền núi yêu nước trong những năm tháng chống Mĩ khó khăn, gian khổ. Theo bước chân của người mẹ, không gian cũng được mở rộng dần từ sân khi mẹ giã gạo đến ngọn núi Kai Lưi khi mẹ đi tỉa bắp rồi cả những con suối. Ước mơ, khát vọng của mẹ cũng được gửi gắm qua lời hát ru tha thiết, nặng tình nghĩa ấy càng lúc càng lớn dần.

Một đất nước mà văn học dân gian đã đúc kết thành một câu như đinh đóng cột: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, thì những người phụ nữ anh hùng giỏi nuôi con, giỏi đánh giặc luôn luôn có mặt ngoài cuộc đời. Cùng với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khác đương thời, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã góp phần hoàn chỉnh thêm tượng đài bất tử về người mẹ chiến sĩ trong thời kì kháng chiến vừa gần gũi, thân thương vừa cao cả,vĩ đại. Hình tượng ấy vẫn luôn lặng lẽ toả sáng bồi đắp tình yêu tổ quốc cho bao thế hệ con người Việt Nam.

Bài văn phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi số 4

Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đời giữa những năm tháng quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên cả hai miền Bắc-Nam. Thời kì này, cuộc sống của cán bộ, nhân dân ta trên các chiến khu (phần lớn là những vùng miền núi) rất gian nan, thiếu thốn. Cán bộ, nhân dân ta phải bám rẫy, bám đất để tăng gia sản xuất, vừa sẳn sàng chiến đấu bảo vệ căn cứ. 

Bài thơ là lời hát ru những em bé dân tộc Tà-ôi lớn trên lưng mẹ ở vùng chiến khu Trị – Thiên trong thời kì chiến tranh chống Mỹ. Hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong bài thơ, qua từng đoạn thơ với từng khúc hát ru được gắn với hoàn cảnh, công việc cụ thể.Ơ khúc thứ nhất, người mẹ hiện lên với dáng tần tảo, lam lũ, vất vả với công việc giả gạo nuôi bộ đội. Mẹ giã gao, con vẫn trên lưng mẹ. Câu thơ: “Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối” thật cảm động. Mẹ gầy vì công việc giúp nuôi bộ đội đánh giặc. Mẹ gầy vì nuôi cho con nhanh lớn. Nhưng trái tim của mẹ vẫn hát về ước mơ:“Mai sau con lớn vung chày lún sân”Trong khúc ru thứ hai, diễn tả công việc mẹ lên núi trỉa bắp.

Câu thơ: “Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ” hình thành theo kết cấu đối lập làm nổi bật hình ảnh me với công việc vất vả. Núi thì to, nương bắp thì rộng, mà sức mẹ có hạn. Trên lưng mẹ, em vẫn ngủ say:

“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”

Hình ảnh “Mặt trời” trong câu thơ sau được chuyển nghĩa (ẩn dụ): Cu Tai là mặt trời của mẹ. Em còn là tất cả của mẹ, là lí tưởng, là hi vọng của mẹ. Mẹ mơ ước về con:“Mai sau lớn lên phát mười Ka-lưi” Đến khổ thứ ba, lời ru đồn đập, mạnh mẻ, gấp rút, bởi “giặc Mỹ đến đánh”, đuổi ta phải rời suối rời nương “Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối”. Mẹ phải chuyển lán, đạp rừng , cùng tham gia đánh giặc. Mẹ đến chiến trường, em vẩn trên lưng: 

“Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường

Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn”

Trong khói lửa của chiến tranh mẹ mong ước: “Mai sau con lớn làm người tự do”. Ba khúc hát ru cũng là ba đoạn thơ diễn tả công việc cùng tấm lòng của mẹ ở trong chiến khu gian khổ, người mẹ Tà-ôi trong bài thơ còn thắm thiết yêu con và cũng nặng tình thương buôn làng, quê hương, bộ đội và khao khát mong cho đất nước độc lập, tự do. Lời ru gắn với tình yêu con tha thiết của người mẹ dân tộc Tà-ôi. Lời ru thủ thỉ những điều đang diển tả trong thực tại mà người con chưa thể biết:

“Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội……….

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời”

Lời ru theo nhịp giã gạo, mỗi câu bị ngắt nhịp làm hai như theo nhịp chày, nhịp thở. Hai mẹ con cùng chung một nhịp, mẹ làm việc, con ngủ ngon “Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng”. Hai từ “Nghiêng” đứng trong một câu thơ thể hiện niềm say mê của mẹ hoà cùng giấc ngủ của bé. Mẹ làm việc khổ cực trong hiện tại, nhưng lời ru của mẹ cao vút đến ngày mai. “Mai sau con lớn vung chày lún sân!

Lời ru trên nương khi trỉa bắp ở trên núi Ka-lưi, vẫn theo nhịp “chọc lỗ” trỉa bắp nhưng hình ảnh lúc này thiên về đối lập “Lưng núi to- lưng mẹ nhỏ” và đối xứng “Mặt trời của bắp- mặt trời của mẹ”, tất cả toát lên tình thương vô hạn của người mẹ nghèo vẫn thương con, thương cách mạng, “mặt trời của mẹ em nằm trên lưng” người mẹ vừa chịu đựng cái nóng vừa tha thiết yêu thương. Lời ru của mẹ không chỉ hướng vào thực tại mà còn hướng về tương lai: 

“Ngủ ngoan A-kay ơi, ngủ ngoan A-kay hỡi…….

Mai sau con lớn phát mười Ka-Lưi”

Khi chuyển lán, trong lời ru thứ ba, nhịp thơ vẫn ngắt đôi, mỗi dòng theo bước chân đi nhưng lời thơ xếp theo lối hùn điệp, đuổi nhau giục giã, khẩn trương: “Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng…………….Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn”. Cũng như đoạn thơ trên, lời ru của mẹ hướng vào đất nước, hướng vào tương lai chiến thắng”“ Ngủ ngoan A-kay ơi, ngủ ngoan A-kay hỡi…….Mai sau con lớn làm người tự do”.Tình yêu thương con của người mẹ gắn liền với tình cảm đối với cán bộ, xóm làng, đất nước. Tình yêu của người mẹ Tà- ôi gắn liền với tình cảm cao đẹp khác. 

Đó là lòng thương yêu bộ đội, yêu thương dân làng, yêu thương đất nước. Những lời ru của người mẹ còn thể hiện ước mơ và ý chí của nhân dân ta. Người mẹ mong con lớn lên giúp mẹ giã gạo “vung chày lún sân”, giúp mẹ trỉa ngô, làm rẫy “phát mười Ka-lưi”. Đó là niềm mong ước mọi người được sống ấm no “hạt gạo trắng ngần, hạt bắp lên đều”. Lời hát ru còn thể hiện ý chí chiến đấu, khát vọng tự do và niềm tin vào thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ:

“Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ

Mai sau con lớn làm người tự do…”

Bài thơ xây dựng hình ảnh người mẹ Tà-ôi, nuôi con thơ mà làm đủ mọi việc cho công cuộc chống Mỹ, góp phần vào thắng lợi chung cho đất nước. Một người mẹ tuy lao động nhọc nhằn mà ước mơ bay bổng, toát lên một niềm tin vững chắc cho tương lai. Đây là một hình tượng hiếm có trong thơ ca cách mạng hiện đại, sánh cùng với những hình tượng khác hình ảnh người mẹ khác trong hai cuộc chiến của dân tộc ta đó là: mẹ Tơm, mẹ Suốt, người mẹ người cầm súng Út Tịch…..đã góp nên một bài ca của những người mẹ Việt Nam anh hùng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” với tám chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng.

Bài văn phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi số 7

Văn học Việt Nam đã dựng lên nhiều tượng đài về hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Đó là “Mẹ suốt” của Tố Hữu, “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Đình Thi, “Hơi ấm ổ rơm” của Nguyễn Duy… và không thể không nhắc tới người mẹ dân tộc Tà ôi trong “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm. Bài thơ sáng tác năm 1971 là lời hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ. Hình tượng trung tâm của bài thơ là người mẹ bền bỉ, gắn bó với kháng chiến, nặng lòng với quê hương đất nước và yêu con tha thiết.

Văn học Việt Nam đã dựng lên nhiều tượng đài về hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Đó là “Mẹ suốt” của Tố Hữu, “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Đình Thi, “Hơi ấm ổ rơm” của Nguyễn Duy… và không thể không nhắc tới người mẹ dân tộc Tà ôi trong “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm. Bài thơ sáng tác năm 1971 là lời hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ. Hình tượng trung tâm của bài thơ là người mẹ bền bỉ, gắn bó với kháng chiến, nặng lòng với quê hương đất nước và yêu con tha thiết.

“Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” viết về hình ảnh người mẹ dân tộc Tà ôi. Bài thơ được chia làm ba khúc hát ru. Cùng với hình tượng người mẹ cứ lớn dần lên qua mỗi khúc hát. Khát vọng của người mẹ hòa trong khát vọng của cả dân tộc, ở đó là tình yêu quê hương đất nước, ý chí chiến đấu cho độc lập tự do, ước mơ cháy bỏng về thống nhất nước nhà. Đó cũng chính là hình tượng điển hình của người mẹ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hình ảnh người mẹ Tà ôi đảm đang, giầu nghị lực. Mẹ đang nuôi con nhỏ, vừa phải địu con trên lưng vừa phải làm công việc lao động sản xuất ở chiến khu như giã gạo nuôi bộ đội, tỉa bắp trên núi, chuyển lán đạp rừng – công việc rất vất vả đầy gian khổ. Mang con trên lưng, nỗi vất vả của mẹ càng nhân lên gấp bội. Nhà thơ đã cảm nhận được nỗi vất vả ấy và ghi lại bằng những hình ảnh thơ đầy xúc động:

“Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Hình ảnh đôi vai gầy, giấc ngủ của em bé gợi nhiều thương cảm nói lên những gian khổ của cả người mẹ và cả em bé trên lưng.

Khi mẹ tỉa bắp trên núi:

“Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ”

Một hình ảnh tương phản giữa cái rộng lớn mênh mông của núi rừng với sự nhỏ bé gầy guộc của mẹ gợi cho chúng ta cảng heo hút hoang sơ của rừng núi và nỗi vất vả của người mẹ Tà ôi. Đó là hình ảnh thơ hàm súc nói lên sự gian khổ đồng thời khẳng định sự bền bỉ lòng quyết tâm chịu đựng, nghị lực phi thường của người mẹ. Tình yêu con tha thiết, yêu nước sâu nặng, khát khao cháy bỏng về tương lai chiến thắng

Lời ru của mẹ đã mở ra một thế giới tâm hồn cao cả. Trước hết, đó là tình yêu con vô bờ, người mẹ không thể ngồi bên cánh võng để hát ru mà lời hát ru cất lên lại từ những công việc nhọc nhằn gian khó. Những lời hát ru cho con và tình cảm cháy bỏng từ trái tim: “Lưng đưa nôi mà tim hát thành lời”. Tiếng hát tư trái tim mẹ là tiếng hát cháy bỏng, tình yêu thương, tiếng hát ấy cất lên từ sâu thẳm đáy lòng giành cho đưa con vô cùng yêu quý của mình. Tình yêu thương con được nhà thơ thể hiện qua hình ảnh ẩn dụ thật độc đá

“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, con nằm trên lưng”

Nếu mặt trời của vũ trụ là nguồn sống che vạn vật dưới thế gian, thì đứa con cũng giống như mặt trời vậy, là nguồn sống của mẹ. Mặt trời ở câu thơ thứ hai là hình ảnh ẩn dụ, đứa con trở thành niềm hạnh phúc, niềm tin, hi vọng, đứa con là tất cả những gì của cuộc đời mẹ, nó tỏa sáng ấm nóng, tiếp cho mẹ nguồn sức mạnh và niềm tin để vượt qua bao thử thách.

Nét mới trong tình cảm của người mẹ là gắn tình yêu con với tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm riêng hòa trong tình cảm lớn mang tính chất thời đại, dân tộc. Có thể nói, đó là tình yêu nước cao cả của người mẹ Tà ôi. Từ chỗ giã gạo ở sân nhà, tỉa bắp trên nương rẫy nay mẹ đã đến chiến trường: “Mẹ đi chuyển lán mẹ đi đạp rừng”. Và rồi chúng ta thấy cùng với đứa con:

“Từ trên lưng mẹ tới chiến trường

Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn”

Người mẹ xuất hiện trong những tư thế của người chiến sĩ, hòa trong nhịp sống chung của đất nước. Đứa con cùng mẹ sẻ chia những gian lao, vất vả, người mẹ lúc này thực sự đã đi đánh giặc, đã cùng bộ đội chuyển lán đạp rừng, đã giã từ ngôi nhà thân yêu của mình cùng nương rẫy để vào chiến trường. Hình tượng người mẹ đã trở nên vĩ đại và cao cả hơn. Người mẹ khát khao cháy bỏng về một tương lai cho đứa con thân yêu của mình. Từ chỗ mẹ mơ ước con lớn lên khỏe mạnh “Mai sau con lớn vung chày lún sân” đến mơ ước một cuộc sống no đủ “Hạt bắp lên đều” và “phát mười ka-lư” đến mơ ước lớn lao hơn là con được sống một cuộc đời tự do độc lập.

“Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ

Mai sau con lớn làm người tự do”

Khát vọng của mẹ được nâng cao, không chỉ có khát vọng về một cuộc sống khỏe, no đủ của con mà còn khát vọng cháy bỏng là con sẽ được hưởng một cuộc sống độc lập. Khát vọng của mẹ cũng là khát vọng của dân tộc. Vì vậy, mẹ không chỉ lao động sản xuất mà mẹ còn trực tiếp tham gia vào chiến đấu, mẹ có một niềm tin mãnh liệt vào ngày mai chiến thắng vì thế: “Mẹ địu em đi để giành trận cuối”.

Hình ảnh người mẹ lúc này trong tư thế của người chiến sỹ trở nên phi thường, lớn lao. Có thể nói hình ảnh người mẹ Tà ôi được thể hiện qua rất nhiều các công việc khác nhau, không gian khác nhau và sự trưởng thành về hình thức và hành động.

Người mẹ trong bài thơ hiện lên vừa có nét đẹp truyền thống vừa mang tinh thần thời đại, vừa yêu thương con vừa yêu đất nước và giầu tinh thần chiến đấu. Bài thơ xứng đáng là một tượng đài kỉ niệm bằng thơ về hình ảnh người mẹ Việt Nam.

Bài văn phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi số 2

Một trong những tình cảm thiêng liêng, cao quý, thắm thiết sâu nặng nhất của con người không gì ngoài tình mẫu tử. Vẻ đẹp của thứ tình cảm thiêng liêng sâu sắc ấy đã từng được nhiều nhà văn, nhà thơ đưa vào trong tác phẩm của mình như một chủ đề quen thuộc, gần gũi và nhiều ý nghĩa. Cùng chung mạch cảm xúc ấy, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại có những hướng đi riêng, những sáng tạo mới, khơi nguồn những miền cảm xúc mới để đưa vào tác phẩm của mình, đó là là bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, mà cốt lõi là hình ảnh người mẹ Tà-ôi đi xuyên suốt cả tác phẩm.

Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943, tại Huế, ông là một nhà thơ, nhà chính trị Việt Nam. Sáng tác của ông bao gồm một số tác phẩm tiêu biểu như tập thơ Đất và khát vọng, Đất ngoại ô, Mặt đường khát vọng,… Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt tiêu biểu của các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ, thơ của ông là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng về đất nước về nhân dân, về những con người bình dị không ai nhớ mặt đạt tên đã làm ra đất nước.

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác ở chiến khu phía Tây Thừa Thiên vào ngày 25/3/1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang dần đi đến thắng lợi, tuy nhiên đời sống chiến đấu của quân dân ta còn nhiều khó khăn gian khổ. Bài thơ được in trong tập Đất và khát vọng (1984), là sự kết hợp giữa thể thơ tám chữ và một số câu 7 chữ, âm điệu của bài thơ nhẹ nhàng, như ôm ấp, vỗ về của một lời ru, chính giọng điệu trữ tình này đã thể hiện được tình cảm thiết tha trìu mến cảu người mẹ đối với con, đối với cách mạng, với đất nước, quê hương.

Bài thơ là những lời ru thiết tha trìu mến, những lời ru như thủ thỉ, tâm tình như vỗ về ôm ấp, giấc ngủ của em cu Tai và cũng là giấc ngủ của biết bao nhiêu đứa trẻ lớn trên lưng mẹ. Nhưng điều đặc sắc hơn cả đó là thông qua những lời ru dịu êm, thiết tha, trìu mến ấy đã làm hiện dần lên hình ảnh người mẹ Tà-ôi. Người mẹ hiện lên trong biết bao công việc trong cuộc sống lao động thường ngày.

“Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội,

Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng.

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi,

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối,

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:”

Đầu tiên là hình ảnh người mẹ Tà-ôi hiện lên trong công việc giã gạo nuôi bộ đội kháng chiến, đây là một công việc hết sức vất vả và nặng nhọc, để có thể làm ra được hạt hạo trắng ngần, thơm tho những người dân đã phải đổ biết bao mồ hôi công sức. Người mẹ Tà-ôi ở đây trong công việc giã gạo không chỉ là làm ra hạt gạo nuôi sống chính bản thân mà còn là những hạt gạo được chắt chiu trân trọng để nuôi bộ đội, đóng góp cho cuộc kháng chiến sắp đi đến thắng lợi của nhân dân ta.

Như vậy, chỉ trong một công việc tưởng chừng như hết sức bình dị này thì người mẹ Tà-ôi đã hiện lên với một hình ảnh lớn lao, cao cả khi biết đóng góp những thứ vật chất nhỏ bé cho kháng chiến, trở thành hậu phương vững chắc cho cách mạng, điều đó là đáng quý biết bao. Hình ảnh “nhịp chày nghiêng” và “giấc ngủ em nghiêng” cho ta cảm giác dường như cả hai mẹ con đều cùng chung một nhịp, đó là nhịp chày giã gạo, nhịp điệu lao động của người mẹ. Giấc ngủ của em cu Tai luôn gắn liền với công cuộc lao động vất vả, chịu thương chịu khó, tần tảo sớm trưa của mẹ mình. Đặc biệt có những chi tiết tác giả dùng đặc tả nỗi vất vả của người mẹ như “Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi”, ta như cảm nhận được những giọt mồ hôi như mưa, mặn đắng nỗi vất vả nhọc nhằn mà cả chính em cu Tai cũng cảm nhận được. 

Hình ảnh “Vai mẹ gầy” như đã bộc lộ cả cái cảm nhận của những đứa trẻ trong ngủ trên lưng mẹ, cũng là tình thương trước cái nỗi vất vả, nhọc nhằn, kham khổ, vắt kiệt sức lực khiến người mẹ phải gầy gò, lam lũ. Người mẹ ấy hy sinh nhiều vô kể, mang nặng đẻ đau, đôi tay tảo tần giã gạo, đôi làm chiếc gối, tấm lưng làm chiếc nôi và hát ru con ngủ bằng cả trái tim yêu thương tràn đầy.

Hơn thế nữa, người mẹ cũng là một trong những người dân tham gia lao động sản xuất ở chiến khu, đang bám từng tấc đất để vừa lao động tăng gia sản xuất, vừa phục vụ kháng chiến. Nguyễn Khoa Điềm đã gợi lên hình ảnh ảnh người mẹ thông qua những câu thơ sau:

-” Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka-lưi

Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,”

-” Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.”

Ở đây, nhà thơ đã vận dụng rất thành công thủ pháp tương phản để làm nổi bật sự lớn lao mênh manh của núi rừng, đồng thời làm nổi bật được hình ảnh vất vả tảo tần của người mẹ. Tấm lưng mẹ tuy nhỏ nhắn nhưng bền bỉ thậm chí còn kiêu hãnh hơn lưng núi, bởi trên lưng mẹ có “mặt trời” là người con yêu thương, đây là hình ảnh ẩn dụ gợi lên thật sâu sắc, cảm động tình mẹ yêu con. Con là nguồn sống, là năng lượng tiếp sức cho mẹ trong công việc lao động vất vả, cũng giống như ánh mặt trời là nguồn sống, chiếu sáng cho cây bắp được sinh tồn và phát triển.

Đặc biệt hơn hết, ta còn thấy hình ảnh của người mẹ hiện lên trên chiến trường, hình ảnh này là một sự phát triển tất yếu của người mẹ từ vị trí hậu phương, phục vụ kháng chiến thầm lặng, thì hôm nay mẹ tham gia vào cuộc kháng chiến một cách mạnh mẽ hơn, trực tiếp hơn, mẹ giúp bộ đội “chuyển lán”, “đạp rừng”, “giành trận cuối” với quân Mỹ trong kháng chiến.

“Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng.

Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối

Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông,

Mẹ địu em đi để dành trận cuối.

Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường,

Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.”

Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến ngày càng trở nên ác liệt hơn, mọi tầng lớp, lứa tuổi đều đứng dậy cầm vũ khí để đấu tranh, thì người mẹ cũng giã từ góc sân giã gạo, ngọn đồi tỉa bắp để tham gia trực tiếp và cuộc kháng chiến, mẹ đi “chuyển lán”, mẹ đi “đạp rừng” vốn là những công việc còn khó khăn, gian khổ gấp trăm lần. Nhưng người mẹ ấy vẫn địu đứa con của mình ở trên lưng, mẹ đi đến đâu giấc ngủ của con theo tới ấy, mẹ cùng con đi “giành trận cuối”, đi ra chiến trường, băng rừng lội suối vượt cả Trường Sơn. Có thể thấy người mẹ và đứa con luôn gắn bó song hành cùng nhau ở mọi hoàn cảnh, nương tựa vào nhau cùng chiến đấu với niềm tin một ngày mai cách mạng giành chiến thắng.

Hình ảnh người mẹ Tà-ôi hiện lên trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm thật thú vị và đặc sắc, tiêu biểu cho những người phụ nữ anh hùng chịu thương chịu khó, phục vụ cho cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương con sâu sắc luôn tràn đầy trong trái tim ấm nóng. Trong tâm hồn người mẹ luôn tồn tại một niềm tin mãnh liệt rằng mai đây đất nước lại hòa bình, con của mẹ sẽ sống trong hạnh phúc và tự do, thì ngày hôm nay đây mẹ vất vả đến bao nhiêu cũng là xứng đáng.

Bài văn phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi số 5

Từ những ngày còn bên nôi, ta đã được sống trong bầu không khí êm đềm, mát lành với lời ru ầu ơ của bà, của mẹ. Tiếng hát ấy đưa ta vào giấc ngủ an lành của tuổi thơ, nâng giấc ta, nuôi ta trưởng thành. Đó là những thanh âm trong trẻo vang động sâu sắc tâm hồn ta. Nó không chỉ cho ta những dấu ấn đầu tiên về quê hương xứ sở mà còn găm chặt trong tim ta tình yêu của mẹ thiết tha gửi gắm. Khúc hát ru của bà mẹ Tà-ôi trong thi phẩm Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm là một khúc ru da diết, lắng đọng. Nó mang đến cho ta những cảm nhận sâu đậm về tình yêu con của người mẹ vùng chiến khu Trị Thiên trong những năm chống Mĩ ác liệt.

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ không chỉ là bài thơ mà còn là lời ru dành cho những em bé lớn lên bằng nhịp đưa nôi của lưng mẹ. Không phải ngẫu nhiên khi phổ nhạc cho bài thơ này, nhạc sĩ Trần Hoàn đã đặt tựa đề là Lời ru trên nương. Chính những lời ru đã làm thành nên cấu tứ của bài thơ, dẫn dắt vào một thế giới mang đậm bản sắc riêng của người Tà-ôi. Tình yêu ngân lên thành một điệp khúc xuyên suốt theo nhịp chày của mẹ:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.

Câu thơ vừa như lời hát trìu mến của người mẹ, vừa như lời nhắn nhủ đầy yêu thương của nhà thơ dành cho em bé. Nhịp thơ nhè nhẹ tựa như tiếng hát êm đềm vang xa giữa núi rừng bao la. Hình ảnh ém bé Tà-ôi “ngủ trên lưng mẹ” êm đềm biết bao, nó khiến ta bồi hồi nhớ lại những câu thơ về người mẹ Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp của nhà thơ Tố Hữu:

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô

Cả hai bà mẹ đều giống nhau ở công việc, giống nhau ở sự chăm sóc, chở che cho con nhưng nếu người mẹ Việt Bắc hiện lên trong hồi tưởng, thì người mẹ Tà-ôi được dựng lên giữa hiện thực:

Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội

Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng.

Nhịp thơ 3/4 đều đều ở hai câu thơ tựa như nhịp đưa à ơi trên cánh võng. Công việc của mẹ là giã gạo để nuôi bộ đội kháng chiến nhưng chính trong công việc đó người mẹ đã thể hiện tình yêu dành çho con. Từ “nghiêng” lặp lại hai lần vừa tạo nhịp điệu cho câu thơ vừa có chất tạo hình đồng thời diễn tả chân thực hình ảnh người mẹ vừa giã gạo vừa địu con trên lưng. Nỗi nhọc nhằn hiện hữu cả nơi mẹ và con:

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời

Công việc của mẹ khiến em bé cũng phải vất vả, nhưng em được mẹ bù đắp bằng tình yêu thiết tha. Giấc ngủ “nghiêng” của con có mẹ chở che, nâng giấc bằng “vai gầy” làm gối, bằng “lưng đưa nôi” và trái tim cất vang lời ru. Đó là lời ru được ngân lên từ tình yêu thương bao la của mẹ. Trong mọi công việc, mọi hoàn cảnh, tình yêu tha thiết ấy vẫn vẹn nguyên, ấm áp. Dù là khi giã gạo ở nhà hay tỉa bắp trên núi Ka-lưi nắng cháy, trong tim mẹ vẫn ngân vang khúc hát ru cho a-kay, bởi a-kay chính là nguồn sống, là động lực của mẹ:

Mặt trời của bắp thì nằm trên núi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.

Biện pháp nghệ thuật ẩn dụ được tác giả sử dụng thật đắc địa, mang lại những rung cảm thẩm mĩ sâu sắc, thể hiện tình mẹ con cảm động, thiêng liêng. Con là mặt trời soi rọi, sưởi ấm lòng mẹ, là nguồn vui, hạnh phúc của đời mẹ. Hạt bắp lớn lên nhờ hơi ấm của mặt trời. Mẹ vui sống bằng nguồn sáng của mặt trời trên lưng – đứa con yêu của mẹ. Lời thơ nhịp nhàng, dịu dàng như tình mẹ êm đềm ru sâu thêm giấc ngủ cho em cu Tai. Tình yêu con tha thiết của người mẹ Tà-ôi còn lắng sâu trong những ước mơ gởi gắm nơi con được thể hiện qua những lời ru trực tiếp. Sự dịu dàng, âu yếm trong nhũng lời ru tha thiết cho ta cảm nhận sâu sắc tấm lòng của mẹ dành cho a-kay:

Ngủ ngoan a-kay ơi

Ngủ ngoan a-kay hỡi

Những lời ru nhẹ nhàng thể hiện sự nâng niu, gượng nhẹ của mẹ đối với giấc ngủ trẻ thơ của con. Tình yêu nồng ấm ấy trải dài xuyên suốt toàn bộ bài thơ, qua những lời ru được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc mỗi lúc một tha thiết hơn. Yêu con, thương con, bao ước mong của mẹ gửi gắm vào con. Đó chính là nguồn động lực giúp mẹ vượt qua những gian nan, thử thách, những khó khăn, nhọc nhằn để sống, lao động và tham gia kháng chiến. Những ước mong ấy giản dị, mộc mạc, phù hợp với tâm thức của người mẹ Tà-ôi và gắn liền với những ước mong dành cho bộ đội, cho kháng chiến:

Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần

Mai sau con lớn vung chày lún sân…

Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều

Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi

Mẹ mong con trở thành một chàng trai khoẻ mạnh, có thể “vung chầy lún sân”, có thể “phát mười Ka-lưi” Trong ước mơ ấy thấp thoáng bóng dáng và sức mạnh của những anh hùng trong sử thi, thần thoại đồng thời hội tụ cả sức mạnh của dân tộc từ quá khứ đến hiện tại gắn với cuộc chiến đấu trường kì của đất nước. Đặc biệt, ước mơ trong lời ru cuối của mẹ mới đẹp làm sao:

Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ 

Mai sau con ì ớn làm người Tự do…

Đó là ước mơ về ngày thống nhất non sông. Yêu con, niềm mong mỏi lớn nhất của người mẹ là con được làm người tự do. Mẹ lớn lên trong đói nghèo, nô lệ, trưởng thành trong gian khổ chiến tranh, mẹ hiểu lắm giá trị của tự do. Vì thế, mẹ không mong gì hơn là con được trở thành công dân của một đất nước tự do, độc lập. Tinh yêu con của mẹ thật sâu sắc biết bao, lớn lao biết bao.

Khởi nguồn của mọi hành động cao cả bắt đầu từ tình yêu bình dị nhất. Điểm xuất phát của lời ru con chính là tấm lòng mẹ thương con vô bờ bến, được biểu hiện một cách bình dị mà sâu nặng. Âm vang của tình yêu đó cất lên thành lời ru, được Nguyễn Khoa Điềm cảm nhận và thể hiện trong những vần thơ giản dị mà sâu sắc. Khúc hát ru ấy sẽ còn mãi ngân vang trong trái tim và tâm hồn của những người con, để cảm nhận được những cung bậc yêu thương của tình mẹ tha thiết, ấm nồng.

Bài văn phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi số 1

húng ta biết đến Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu trưởng thành trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Thơ của Nguyễn Khoa Điềm là một hồn thơ giàu suy tư với những cảm xúc dồn nén chất chứa trong từng câu thơ. “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ của ông. Xuyên suốt bài thơ người ta thấy hiện lên hình ảnh bà mẹ Tà ôi như một biểu tượng về người mẹ Việt Nam anh hùng.

“Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” được sáng tác vào năm 1971 khi Nguyễn Khoa Điềm đang ở chiến khu phía Tây Thừa Thiên. Đến năm 1984, bài thơ được in trong tập “Đất và khát vọng”. Với giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết như một lời ru đã giúp người đọc thấy được tình cảm trìu mến của người mẹ dành cho con của mình. Trong “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” hình ảnh người mẹ hiện lên gắn liền với cuộc sống lao động thường ngày:

“Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội,

Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng.

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

,Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối,

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:”

Đầu tiên hình ảnh người mẹ gắn liền với công việc làm nương rẫy, chăm lo cho cuộc sống của bộ đội kháng chiến. Để có được hạt gạo trắng ngần, có được những bữa cơm nóng hổi nuôi bộ đội, người mẹ phải làm lụng vất vả, phải đổ biết bao mồ hôi công sức. Dù không trực tiếp tham gia chiến trường thế nhưng người mẹ đã làm hết sức mình nơi hậu phương để có thể góp phần làm nên chiến thắng của nhân dân ta. Cái hay, cái đẹp của đoạn thơ còn ở chỗ hình ảnh lao động của người mẹ gắn liền với giấc ngủ của con thơ “nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng”. 

Đây vừa là hình ảnh tả thực em bé được địu trên lưng mẹ vừa vô cùng ấm áp, thiêng liêng bởi nó đem đến cho người đọc cảm giác người mẹ và em bé như đang cùng chung một nhịp đập, cùng nhau chia sẻ công việc khó nhọc này. Dù đang ngủ say giấc nhưng dường như em Cu – tai cũng đang cảm nhận được sự vất vả của mẹ: “Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi”. Đặc biệt hình ảnh tả thực đôi vai gầy của mẹ cũng thể hiện được tình thương, nỗi vất vả của mẹ. 

Người mẹ ấy vừa phải chăm lo cho đứa con thơ của mình, vừa phải gánh trên vai trọng trách tiếp tế lương thực nơi chiến trường vậy mà trái tim của mẹ vẫn dành cho con tình yêu thương hết mực, vẫn hang say lao động bằng tất cả tình thương của mình. Ở những câu thơ sau hình ảnh người mẹ vẫn tiếp tục là hình ảnh người mẹ gắn liền với lao động sản xuất:

-” Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka-lưi

Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,”

-” Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.”

Trước hết, ta có thể thấy Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng rất thành công thủ pháp tương phản để vừa làm nổi bật không gian mênh mông rộng lớn của núi rừng vừa thể hiện sự vất vả khó nhọc của người mẹ. So với không gian mênh mông rộng lớn kia thì hình ảnh người mẹ trông thật nhỏ bé ấy vậy mà nó vẫn bừng sáng khắp không gian. Người mẹ không chỉ tích cực tham gia tang gia sản xuất mà còn mang trên vai “mặt trời” của mẹ với tất cả tình cảm yêu thương, chăm sóc. 

Hình ảnh ẩn dụ này vừa thể hiện rằng đứa con như là nguồn sống của người mẹ vừa khẳng định rằng đây chính là nguồn năng lượng lớn nhất, tiếp sức cho mẹ vượt qua biết bao gian truân, khó nhọc. Và rồi từ vị trí hậu phương vững chắc ta đã thấy hình ảnh người mẹ được hiện lên nơi chiến trường, được tham gia vào kháng chiến một cách trực tiếp hơn:

 “Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng.

Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối

Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông

Mẹ địu em đi để dành trận cuối.

Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường,

Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.”

Khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất thì mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp không phân biệt già, trẻ, lớn, bé đều đứng dậy cầm súng ra trận thì người mẹ ấy cũng góp sức mình vào việc “chuyển lán”, “đạp rừng”… Đây là những công việc còn khó khăn gấp trăm lần vậy mà hình ảnh đứa con vẫn xuất hiện trên lưng mẹ. Giấc ngủ của em theo chân mẹ tới mọi nẻo đường, cùng mẹ trải qua mọi khó khăn, gian khó. Lúc này đây đứa con không chỉ là nguồn sống, là nguồn sức mạnh mà nó còn như một người bạn cùng mẹ vượt qua mọi nẻo đường.

Có thể thấy hình ảnh người mẹ Tà – ôi hiện lên thật chân thực nhưng cũng rất tình trong những vần thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Đó là một người mẹ tần tảo sớm hôm, một người mẹ sẵn sàng hy sinh cho kháng chiến, một người mẹ với niềm tin mãnh liệt vào sự toàn thắng của dân tộc, một người mẹ với tình yêu thương con hết mực – một người mẹ anh hùng. Qua “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” ta không chỉ thấy được tình cảm của nhà thơ mà còn thấy yêu thêm biết bao bà mẹ Việt Nam hung khác trên khắp dải đất hình chữ S này.

Trả lời