Top 10 Bài thơ hay nhất về Hà Nội

TÔI ĐI TÌM EM

Tác giả : Lê Viết Hòa

Tôi đi tìm em giữa phố đêm Hà Nội
Những con đường chen chúc
Hối hả đi qua nhau
Những khuôn mặt người xa lạ.

Tôi đi tìm em
Phố Vắng ngày xưa cũ
Một chút dư hương trong trái tim hồi nhớ
Loang loáng những ánh màu nham nhở.

Tôi đi tìm em
Một chút tĩnh lặng yên lành
Một ánh trăng lung linh
Nhẹ nhàng soi mình trên mặt nước Hồ Tây bàng bạc.

Tôi đi tìm em
Một làn tóc mây mềm mại bay trong gió
mùa vàng thay lá
Hương đồng cỏ nội đã bay xa

Tôi đi tìm em
Chỉ thấy mình với bóng mình
Một vệt dài đong đầy ký ức
Vàng vọt trong dòng đời xô bồ chật chội

Tôi đi tìm em
Tôi ôm lấy tim mình
Rưng rức Mùa xa …
Hà Nội, 13/10/17
(Lê Viết Hoà)

Giới thiệu tác giả

 

Tác giả Lê Viết Hoà sinh ngày 27/10/1968hiện là Thầy Thuốc Đông y Cổ truyền là Hội viên Hội Đông Y Việt Nam,
Hội viên Hội Đông Y Thừa Thiên – Huế. Là một thầy thuốc nhưng anh có rất nhiều bài thơ hay đăng trên sách báo tạp chí. Mới đây anh đã xuất bản tập Hồi ký “Ám Thị Tuổi Thơ”.

“Tôi Đi Tìm Em” được viết khi anh ra thăm Hà Nội tháng mười năm 2017. Anh cho biết bài thơ anh viết về một người con gái cụ thể. Anh viết khi nhìn thấy một Hà Nội đang mất dần nét tự nhiên cổ kính, những khối bê tông lấn dần những phố cổ ngàn năm. Và “Tôi Đi Tìm Em” là một sự luyến tiếc về một hà Nội xưa yên bình.

THƠ GỬI TRỜI XANH

Tác giả : Mai Thúy Thanh

Minh chủ định đô thế rồng bay

Kiến tạo dựng xây nước non này

Đồng thuận ý trời soi đường lối

Hòa hợp lòng dân tỏ nơi đây

Sử thơm ghi dấu trong sách đỏ

Bút quý tạc hình giữa trời xanh

Yêu nước thương dân gây nghiệp lớn

Nhân thế muôn đời mãi lưu danh.

14/4/2018_29/2/ Mậu Tuất.

 

Giới thiệu tác giả

Tác giả Mai Thúy Thanh sinh ngày 27/10/1980 tại Từ Vân, Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội. Là một tác giae trẻ Mai Thúy Thanh đã có rất nhiều bài thơ được in trên nhiều sách báo và tạp chí. Là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội Mai Thúy Thanh luôn có tình yêu sâu đậm với thành phố này.

Chia sẻ về bài thơ ” Thơ gửi trời xanh” tác giả nói cô làm bài thơ này sau khi đọc “Chiếu rời đô” của Lý Công Uẩn.

Hà Nội

Tác giả:  Trần Đăng Khoa

Hà Nội có chong chóng

Cứ tự quay trong nhà

Không cần trời thổi gió

Không cần bạn chạy xa

Hà Nội có nhiều hoa

Bó từng chùm cẩn thận

Mấy chú vào mua hoa

Tươi cười ra mặt trận

Hà Nội có Hồ Gươm

Nước xanh như pha mực

Bên hồ ngọn Tháp Bút

Viết thơ lên trời cao

Hà Nội có nhiều hào

Bụng súng đầy những đạn

Và có nhiều búp bê

Bóng tròn cho các bạn

Hà Nội có tàu điện

Đi về cứ leng keng

Người xuống và người lên

Người nào trông cũng đẹp

Mấy năm giặc bắn phá

Ba Đình vẫn xanh cây

Trăng vàng chùa Một Cột

Phủ Tây Hồ hoa bay…

1969

Nguồn: Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời, Nxb Văn hóa dân tộc, 1999

 

Giới thiệu tác giả 

 

Nhà thơ Trần Ðăng Khoa, sinh ngày 26-4-1958 tại thôn Ðiền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Thanh, Hải Dương. Hiện ở Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1977). Ông tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, tốt nghiệp Học viện Văn học Thế giới mang tên M.Gorki (CHLB Nga), từng là lính Hải quân, học viên trường Sĩ quan Lục quân. Hiện là biên tập viên tạp chí Văn nghệ quân đội. Nổi tiếng là “thần đồng” thơ từ khi mới 7, 8 tuổi. Tập thơ Từ góc sân nhà em in ở NXB Kim Ðồng lúc vừa tròn 10 tuổi. Ngoài thơ ông còn viết phê bình văn học.

Tác phẩm chính:

– Từ góc sân nhà em (thơ, 1968)

– Góc sân và khoảng trời (thơ, 1968, 1973, 1976… tái bản lần thứ 20 năm 1995)

– Thơ Trần Ðăng Khoa (tập 1, 1970)

– Khúc hát người anh hùng (trường ca, 1974)

– Trường ca Trừng phạt (thơ, 1973)

– Trường ca Giông bão (thơ, 1983)

– Bên cửa sổ máy bay (thơ, 1986)

– Thơ Trần Ðăng Khoa (tập 2, 1983)

– Chân dung và đối thoại (1998)

– Và nhiều tập khác được dịch in ở nước ngoài.

RỒI MỘT NGÀY

Tác giả : Đào Bá Trường

Rồi một ngày … tôi tìm lại lối xưa
Hứng lại hạt nắng hạt mưa thời tuổi trẻ
Người lính chúng tôi khoác ba lô rất nhẹ
Xa Hà nội rồi … tay khe khẽ vẫy chia ly…

Những chàng trai vội vàng cất bước đi
Về nơi ấy chẳng có gì ngoài khói súng …
Trời mịt mù sấm gầm lên vang vọng
Hồn thơ rơi trên sóng Như Nguyệt đầy.

Tuổi hai mươi theo khe núi chân mây
Chặn bước quân thù..đêm ngày mải miết
Trao cho nhau tình đồng đội thân thiết
Thắt đau lòng … phút vĩnh biệt người đi …

Màu áo xanh… xanh mãi chẳng sầu bi
Chưa từng yêu … chưa biết gì hờn giận
Giọt máu đào để lại nơi chiến trận
Hồn bay cao không vương vấn hẹn thề…

Rồi một ngày tôi tìm lại triền đê
Sóng Tây Hồ vẫn tràn trề dào dạt
Gió nhẹ lay cánh sen hồng thơm ngát
Xanh mãi khung trời nhớ khúc hát người đi xa

Em ngời xinh tươi thắm … bên cánh hoa
Trong gió thoảng hương thiết tha vời vợi …
Cánh sen kia thắm máu bao đồng đội
Giữa trốn thanh bình …
Hương đồng nội …
Hương hoa ….

Đào Bá Trường 23.4.2018

 

Giới thiệu Tác Giả 

 

Tác giả Đào Bá Trường sinh năm1962. hiện đang sinh sống tại thành phố Munich, Đức. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm 1980 thì đi bộ đội trong đợt tổng động viên đánh tầu ở biên giới phía bắc. Sau đó vào học Trường Quân Y Quân Khu 3
và tốt nghiệp Thủ Khoa. Ra trường, anh về công tác ở Ban Quân Y E 11 F 319 ( nay là Công Ty 319 thuộc bộ tổng tham mưu). Trong quá trình công tác anh được một Huân chương chiến sỹ vẻ vang và một bằng khen của Bộ Quốc Phòng cùng nhiều giấy khen của đơn vị. Năm 1985 chuyển về Bệnh viện Thanh Nhàn Hà nội công tác,p hụ trách công tác pha chế dung dịch tiêm truyền, phụ trách công tác phong trào văn thể mỹ của Đoàn Thanh Niên trong Bệnh viện. Năm 1991 anh sang Đức và định cư ở thành phố Munich đến nay. Hiện tại đã nghỉ hưu và làm thêm tư vấn và chăm sóc khác hàng cho văn phòng luật sư cũng như tuyển dụng các bạn trẻ ở Việt Nam sang Đức học nghề ( điều dưỡng viên. Khách sạn nhà hàng du lịch ….) cho tất cả các bạn trẻ có ước mơ tìm hiểu về nước Đức…

Anh chia sẻ, hồi học cấp 3 anh cũng được học bồi dưỡng năng khiếu văn nhưng chịu ảnh hưởng gia đình ( chị cả học Đại học y Hà nội. Chị sau học Đại học Bách Khoa. Anh trai học Đại học Xây Dựng…và em trai cũng Đại học Xây Dựng )…nên được “ tư vấn “…để hướng đến các nghành nghề về tự nhiên…chứ không đi vào học văn…Cho dù sống xa Hà Nội nhưng anh có một tình yếu nồng nàn với Hà Nội và có nhiều bài thơ hay về thành phố quê hương. Bài thơ ” rồi một ngày là một sáng tác mới mà anh tâm đắc và được độc giả đón nhận.

HÀ NỘI ƠI! TÔI NHỚ MÃI, MUÔN ĐỜI!

Tác giả: Hoàng Minh Tuấn

Tiếng trống trường ngày ấy đã đi qua…

Cánh phượng nào thổi bùng lên nỗi nhớ.

Những buồn vui về một thời trai trẻ

Những yêu thương, hờn giận âu lo…

Ta ra đi, trong ánh nắng ban trưa

Bỏ lại sau lưng ngôi trường xưa cũ

Hoa nắng vàng vương trên bờ vai nhỏ,

Bịn rịn chia tay kẻ ở người đi.

Ta ra đi, quyết cất bước ra đi

Ngang dọc muôn nơi đời trai là thế

Trái tim ta tưởng không còn nhỏ lệ

Trước những éo le đau khổ đầy vơi.

Ta ra đi trong đầy ắp tiếng cười

Và ký ức chìm dần trong quên lãng

Ta những tưởng quên dần theo năm tháng

Bạn cũ, trường xưa cùng khoảng trời xanh.

Ta ra đi, sao thương nhớ vây quanh…

Nhớ Hà nội nhớ mái trường xưa ấy

Nhớ những con phố rực màu phượng cháy

Nhớ cả lối về ta vẫn thường qua.

Ta đâu biết cứ mỗi bước đi xa

Hà nội lại về trong tim da diết

Ôi nhớ lắm những loài hoa thân thiết

Khoe sắc cùng nhau mỗi độ xuân về.

Đẹp gì hơn khi đỏ thắm triền đê

Cả trời quê rực màu hoa gạo nở

Con phố nào đọng bao niềm nhung nhớ

Hương bưởi nào cho say lắm đam mê.

Ta nhớ cả những khi hạ trở về

Tiếng ve kêu giữa phố phường Hà nội

Những dòng xe nối nhau đi rất vội

Hà nội oi nồng nóng lắm người ơi!

Rồi cơn mưa rào bớt chợt tuôn rơi

Để Hà nội lại dịu êm trầm lắng

Cái chói chang không còn trong ngõ vắng

Chợt nắng, chợt mưa ta mãi quen rồi.

Ta nhớ mùa thu xào xạc lá rơi

Ta nhớ mùi hương nồng nàn hoa sữa

Ta nhớ cả cái màu tươi lá đỏ

Của cây bàng cuối phố trước nhà ai.

Cốm làng Vòng thơm lắm lắm người ơi,

Ta mãi không quên miền ven đô ấy

Ta đã đi nhiều nơi sao vẫn thấy

Hà nội của ta nặng trĩu trong lòng.

Ta cũng nhớ về Hà nội mùa đông

Cây trút lá xác xơ cành trước gió

Khát khao nhớ chiều hoàng hôn tím đỏ

Sóng Tây hồ lạnh giá bước vào đêm.

Ta nhớ cả cái màu trắng trinh nguyên

Của Cúc Hoạ Mi khi mùa đông tới

Đẹp say lòng biết bao nhiêu cô gái

Hà nội đông về vẫn cứ dịu êm.

Ta mãi nhớ cái tiếng gõ leng keng

Của tàu điện đón đưa người trên phố

Tiếc lắm thay tàu điện không còn nữa

Nhớ nao lòng hình bóng tàu điện xưa.

Hà nội ơi! Tôi nhớ mãi, muôn đời!

Hà Nội năm 2016

 

Giới thiệu tác giả 

 

Tác giả Hoàng Minh Tuấn sinh ngày 1 tháng 1 năm 1962, là kĩ sư công nghệ thông tin hiện đang làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội. Xuất thân là học sinh chuyên toán trường THPT chuyên Nguyễn Huệ Hà Sơn Bình, nay là Hà Nội, tác giả không nhận mình là nhà thơ mà chỉ là “LÃNG ĐÃNG THƠ”. Tuy nhiên tác giả đã có khá nhiều bài thơ hay và được bạn bè cũng như cộng đồng mạng đón nhận.

Tác giả chia sẻ bài thơ “HÀ NỘI ƠI! TÔI NHỚ MÃI, MUÔN ĐỜI!” được sáng tác vào năm 2016, chỉ vì thấy Hà nội bây giờ mất đi cái vẻ thanh bình của Hà Nội xưa. Bài thơ là một nỗi nhớ về những cảnh vật thân quen của Hà Nội xưa, những thứ mà chỉ có những ngưỡi thật sự gắn bó với Hà Nội mới có thể nhận ra được. Bài thơ cũng thể hiện nỗi nhớ, sự tiếc nuối về một Hà Nội thanh bình của một người con Hà Nội.

XUÂN HÀ NỘI CỦA TÔI

Tác giả: Lâm Thanh Bình

Xuân về hong cả trời thơ
Ấm nồng hương nụ đem hơ men tình
Lá hoa đang độ hồi sinh …
Trời tung xoã nắng lung linh cây cành

Em và Hà Nội xuân xanh
Bâng khuâng chợt hiện chẳng đành chia xa …
Mùa xuân rưới ngọt câu ca
Lời ru thuở ấy bên Ta mặn nồng

Xa nhau.. rồi lại tương phùng
Xuân về Lộc biếc tình Hồng trao nhau …

Nắng Sài gòn gửi về chút Đông Hà nội
Nồng nàn say sóng sánh mắt Anh rồi !

Em và Hà nội xuân xanh ấy !
Gửi gió đa tình khó nhạt phai
Đường đời còn lắm nhiêu khê mãi…
Vẫn cứ đi tìm Hà nội yêu !

HCM 7/10/2017 NS Lâm Bình

 

Giới thiệu tác giả

 

Nhà thơ Lâm Thanh Bình, bút danh Lâm Bình, nguyên Thượng úy QĐND Việt Nam, bà từng là sinh viên Trường Sân khấu Điện ảnh Việt nam, lớp kịch nói  khóa 2 (1968-1971). Năm 1974 bà nhập ngũ vào đoàn Văn công Cục chính trị miền B2, tham gia chiến dịch giải phóng Miền nam. Sau giải phóng chuyển về đoàn Văn công QK9 Hậu Giang, tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam cấp bậc thượng úy quân đội.  Năm 1986 chuyển về sở Văn hóa Thành phố Hồ chí Minh, diễn viên Nhà Hát kịch thành phố rồi nghỉ hưu. Bà đã đảm nhận nhiều chức vụ như: Phó đại diện Tạp chí Asean Ngày nay, Phụ trách Phụ san Lao động của Khát vọng và Sáng tạo (thuộc tạp chí Văn nghệ Công nhân, là chủ bút của nhiều chuyên mục …Bà đã nhận được rất nhiều huân huy chương trong suốt quá trình hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Bà chia sẻ “Bài thơ Xuân Hà nội” bà viết trong một dịp được ra thăm lại Hà nội gặp mặt họp lớp cùng với các Nghệ sỹ Sân khấu & Điện ảnh tài năng Việt nam ,một thế hệ vàng đã đóng góp nhiều vai diễn để đời trong lòng khán giả hâm mộ như NSND Tiến Đạt ,NSND Bằng Thái ,NSUT Hoàng Mai ,Nhà đạo diễn tài ba NSUT Đặng Tất Bình …Và các bạn thơ trẻ của Diễn đàn Văn chương Cuộc sống .Cảm xúc trào dâng mãnh liệt sau hơn 10 năm được trở về với mảnh đất mà mình đã từng sống và công tác ,nơi đã để lại nhiều vấn vương của một thời yêu say đắm công việc phóng viên báo chí mang tâm hồn của người nghệ sỹ.

MỘT THOÁNG NẮNG THU HÀ NỘI

Tác giả : Nguyễn Thị Thơ

Tôi đi dưới nắng thu Hà Nội
Nắng nhẹ vàng rồi nắng nhẹ qua
Mây trôi lờ lững như chẳng vội
Gió thầm thỉ ký ức miền xa.

Dẫu biết tâm hồn nên lặng lẽ
Sống bình an đáng quý điềm nhiên
Sao Hà Nội nắng xôn xao thế
Giấc mộng nào ấp ủ triền miên.

Nắng hanh hao mảnh mai hàng liễu
Gió vẳng đưa tiêu khúc u hoài
Trời chợt mưa nhoà nhạt mắt biếc
Bóng ai về phố cũ nhoè phai.

Giới thiệu tác giả :

 

Nhà Thơ Nguyễn Thị Thơ sinh năm 1964, tại Nam Định. Tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội I, khoa Vật lý năm 1985. Năm 1986 theo học khóa cao học khoa Vật lý – Trường Đại học sư phạm 1. Là giáo viên giảng dạy bộ môn vật lý tại các trường THPT và là giảng viên giảng dạy cao đẳng sư phạm. Hiện nay đang công tác tại trường THPT Trần Hưng Đạo, Quận Thanh Xuân, Thành phố, Hà Nội . Là giáo viên bộ môn khoa học tự nhiên nhưng nhà thơ Nguyễn Thị Thơ có rất nhiều sáng tác hay. Năm 2017 chị đã xuất bản tập thơ “Cúc Họa mi” và được các độc giả đón nhận.

Được biết , bài thơ “Một thoáng nắng thu Hà Nội ” được tác giả viết vào một buổi chiều thu bên những hãng liễu gầy, tại khu đô thị Văn Quán, Hà Đông.

Ba mươi sáu phố phường

Tác giả:  Thái Thăng Long

Hàng Buồm chẳng còn cánh buồm

Thuyền đậu nơi nào em đến

Sông Hồng cách xa biền biệt
Bãi ngô cát trắng mùa xuân.

Hàng Chuối

Đâu còn có chuối

Vài cây cơm nguội trăm tuổi

Lác đác những chú chim sâu.

Hàng Nâu

Rồi sang hàng Lược

Lược chải tóc em ngày xưa.

Áo trắng tóc dài trên phố.

Hương chanh hương cốm mùa thu.

Hàng Đào hoa đào mấy độ?

Hàng Bạc tìm thợ làm vàng.

Hàng Cót rẽ về hàng Than.

Hàng Da em tìm giầy dép.

Hàng Nón nón trắng dập dờn

Hàng Bông nào còn bông vải

Hàng Gai đàn ai đêm tối

Văng vẳng mấy giọng hát đào

Hàng Mã chợ hoa ngày Tết

Hoa hồng đào thế Nhật Tân.

Run run rét về trong mắt

Mê hồn những sắc những hoa

Ta yêu mái nhà phố Phái

Nguệch ngoạc đơn sơ tài hoa.

Ta yêu hàng cây bờ cỏ

Tháp Bút viết suốt ngàn năm.

Hồ Gươm Rùa vàng đã nổi

Mùa xuân em có về không ?

Ba sáu phố phường Hà Nội.

(1996)

Giới thiệu tác giả 

Nhà thơ Thái Thăng Long sinh năm 1950, quê quán Quận Ba Đình, Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ngành Ngữ văn khóa 1975-1979, hiện là trưởng Ban biên tập NXB Thanh Niên Chi nhánh phía Nam.

Các tác phẩm : 

 

Thơ
1. Hà Nội của tôi – NXB Hà Nội 1985;

2. Thuyền của rừng – Thơ thiếu nhi – 1987 NXB Trẻ;

3. Đánh thức những tiềm năng – NXB Văn nghệ 1987;

4. ám ảnh – Tập thơ NXB Trẻ 1992;

5. Chiều phủ Tây Hồ – Thơ NXB Trẻ 1994;

6. Gió rừng Sác (Trường ca) – NXB Trẻ 1996.

7. Thời gian huyền thoại – Tập thơ. NXB Thanh Niên 2000.

Văn xuôi:  

1. Thành phố lúc bình minh (in chung), 1979;

2. Người nhái rừng Sác – Truyện dài;

3. Trước cửa ngõ Sài Gòn (in chung).

4. Giải thưởng: Giải thưởng cuộc thi truyện ký do báo Sài Gòn tổ chức 1985.

Bài Thơ Hà Nội

Tác giả:  Hoàng Anh Tuấn

Em Hà Nội hàng Đường trong giọng nói

Để hàng Bông êm ái lót cơn mơ

Thương những buổi chiều Bác Cổ ngày xưa

Anh nắn nót một trường thi lãng mạn

Thơ thuở bé khắc ghi tình ngõ

TrạmHàng Cỏ ơi, nét thảo có mờ phai

Theo gót chân em từng bước hàng HàiYêu hàng

Lược chải mềm hương mái tóc

Thương dĩ vãng chiều Cổ Ngư trốn học

Hồn ngây ngô theo điệp khúc hàng Đàn

Hàng Guốc trưa hè gõ nhịp bình an

Khi hàng Nón quay nghiêng che mắt thỏ

Anh lúng túng cả Đồng Xuân xấu hổ

Gió mơn man hàng Quạt, áo đong đưa

Đây hàng Khay anh đưa tặng bài thơ

Em hốt hoảng chợ Hôm vừa tắt nắng

Thơ bay lạc, hồn anh là hàng Trống

Nghe hàng Gai cùng mũi nhọn buồn đau

Ôi hàng Ngang tội nghiệp mối tình đầu

Anh hờn giận mơ hàng Buồm lãng tử

Em Hà Nội dáng Sinh Từ thục nữ

Tìm đến anh hàng Giấy mỏng tương tư

Nghe khơi buồn sông Tô Lịch ngẩn ngơ

Thơ giàu có như thương về hàng Bạc

Hàng Vôi đó nồng nàn trong ngây ngất

Ý hàng Đào chín mọng trái môi chia

Xin hàng Than rực cháy lửa đam mê

Khi quấn quít trong ái ân Hà Nội.

 

Giới thiệu tác giả  

 

Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn sinh ngày 7-5-1932 tại Hà Nội, có bài thơ đầu tiên đăng trên báo Tiểu thuyết thứ bảy. Năm 16 tuổi, ông được gia đình đưa sang Pháp để đi du học, năm sau ông vào học một trường điện ảnh ở Paris. Năm 1958, ông về Sài Gòn làm đạo diễn cho hãng phim Alpha, nhưng chỉ ít lâu sau, ông chuyển sang nghề làm báo cho các tờ nhật báo Hiện đại, Đồng Nai và Tiền tuyến.

Từ năm 1965 đến 1974, ông làm quản đốc của đài Phát thanh Đà Lạt. Sau khi giải phóng, ông bị đưa vào trại tập trung cải tạo Phan Đăng Lưu. Sau hai năm cải tạo, ông ra tù và sống vất vưởng tại thành phố Hồ Chí Minh thêm hai năm nữa thì cùng sang tái ngộ với gia đình tại Paris sau hai mươi năm xa cách. Ông cư ngụ tại Pháp trong một thời gian khá dài, nhưng với sự bảo lãnh của con gái ông, Hoàng Hôn Thắm, ông và gia đình di cư sang Hoa Kỳ năm 1981 và định cư tại tiểu bang Ohio. Cuối đời, Hoàng Anh Tuấn hưu trí tại San Jose tới khi mất ngày 1-9-2006.

KHOAN HÃY VỀ HÀ NỘI NGHE ANH

Tác giả : Nguyễn Lan Hương

Khoan hãy về Hà Nội nghe anh
Trời nắng lắm đến ve còn phải trốn
Đường phố đông chỉ toàn là hình nộm
Những bộ chăn di động đến rồi đi.

Khoan hãy về Hà Nội nghe anh
Kẻo cháy hết những lời chưa kịp nói
Cây héo rũ dưới một trời nắng chói
Cánh phượng rơi chưa chạm đất đã khô.

Khoan hãy về Hà Nội nghe anh
Bờ ao cũ đã thành tòa cao ốc
Hàng cây xưa vươn những cành khô khốc
Lũ chuồn chuồn chỉ còn trong ca dao.

Khoan hãy về Hà Nội nghe anh
Chờ mưa đã cho phố phường tươi lại
Ta cùng nhau quay lại thời trẻ dại
Hòa cùng mưa trong vũ khúc tuổi thơ.

Nguyễn Lan Hương, tháng 5 năm 2017

 

Giới thiệu tác giả

 

Tác giả Nguyễn Lan Hương sinh ngày 9-12-1972, hiện là giáo viên tiếng anh trường THPT Hoài Đức B, Hoài Đức Hà Nội. Là giáo viên dạy Tiếng Anh nhưng cô giáo Lan Hương cũng từng là thành viên đội tuyển thi Văn quốc gia và đạt giải. Cô cũng đã có một số tác phẩm thơ được in trên nhiều sách báo và tạp chí.

Chia sẻ với về bài thơ này, cô giáo Lan Hương tâm sự: “Vốn không phải dân chuyên Văn, bài thơ này tôi làm cũng chỉ theo cảm hứng. Do đó cũng không quá cầu kỳ về câu chữ mà chỉ sử dụng các câu từ đơn giản, thực tả về ngày hè oi ả ở Thủ đô những ngày tháng năm năm 2017”. Tuy nhiên sau khi bài thơ được chia sẻ đã được rất nhiều độc giả đón nhận và tạo được ấn tượng mạnh trong cộng mạng.

Trả lời